Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án giao quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương trái pháp luật, bị cáo Đinh La Thăng sẽ có 6 luật sư bào chữa
Theo kế hoạch, ngày mai (14-12), TAND TP HCM bắt đầu xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM) cùng 19 đồng phạm (có bị cáo Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT) trong vụ sai phạm liên quan đến cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Phiên tòa dự kiến kéo dài từ ngày 14 đến ngày 25-12.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử nêu rõ bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường cùng 5 đồng phạm (nguyên lãnh đạo, cán bộ cơ quan nhà nước) ra tòa về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Ông Đinh La Thăng hầu tòa trong một vụ án khác (Ảnh: TTXVN) |
Liên quan tới vụ án, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cùng 12 bị cáo khác bị xét xử về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
HĐXX sơ thẩm xác định bị hại trong vụ án là Bộ GTVT. Bên cạnh đó, cơ quan xét xử triệu tập 14 pháp nhân, 11 cá nhân tới dự tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cụ thể, HĐXX triệu tập Bộ Tài Chính và 13 doanh nghiệp, như: Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Công ty TNHH Phát triển đầu tư Thái Sơn, Công ty CP BOT và BT Quốc lộ 20…
Tại phiên tòa sắp tới, bị cáo Đinh La Thăng có 6 luật sư bào chữa.
Cáo trạng cáo buộc với vai trò Bộ trưởng Bộ GTVT, là người đứng đầu được giao quản lý tài sản, trong đó có quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương, ông Đinh La Thăng ký văn bản đề nghị tiếp tục tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí cao tốc.
Theo VKSND Tối cao, ông Đinh La Thăng nắm rõ quy định pháp luật về quản lý tài sản nhà nước, cũng như quy định về chuyển giao quyền thu phí, nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn... Dù vậy, ông Thăng cùng cấp dưới giao quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương trái pháp luật, dẫn đến sai phạm gây thiệt hại hơn 725 tỉ đồng.
Số tiền này bị Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt, trục lợi.
Di Lâm (NLĐO)