Xã hội

Từ thiện

Tăng cường hỗ trợ điều trị cho người nghiện ma túy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 16-4, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo nghiên cứu, trao đổi về mô hình hỗ trợ tâm lý xã hội cho người nghiện ma túy trước khi bị tòa án xem xét, quyết định biện pháp cai nghiện bắt buộc.

Hội nghị do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Cục Quản lý dịch vụ điều trị nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ cùng Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng tổ chức.

 

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: Công tác cai nghiện và phục hồi cho người nghiện ma túy đã và đang được triển khai đồng bộ trên cả nước. Hệ thống văn bản pháp luật dành cho đối tượng nghiện ma túy cũng không ngừng sửa đổi, hoàn thiện giúp hỗ trợ tối đa cho công tác điều trị cai nghiện và phục hồi cho đối tượng này. Nhiều mô hình cai nghiện tiên tiến trên thế giới đã và đang được thử nghiệm, áp dụng tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, năm 2017, cả nước có hơn 220 nghìn người nghiện ma túy ở mọi thành phần xã hội và lứa tuổi, trong đó hơn 100 nghìn người nghiện đang được điều trị. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình người nghiện ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng, cần có những hướng giải pháp điều trị mới, hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các cơ quan nghiên cứu, triển khai mô hình chuyển gửi tiền xét xử và thông qua tòa án dự kiến thí điểm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần xem xét các ý kiến tại hội thảo, từ đó tiếp thu và nghiên cứu nhằm đưa ra những khó khăn, thuận lợi khi triển khai mô hình này.

Ông Vũ Huy Hoàng, đại diện Cục Quản lý dịch vụ điều trị nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ cho rằng, việc triển khai mô hình này sẽ giúp cải thiện chất lượng điều trị cai nghiện bằng việc cung cấp chất lượng dịch vụ hỗ trợ người nghiện ma túy. Bên cạnh đó,việc thực hiện mô hình còn góp phần kiểm soát nhanh chóng đại dịch HIV/AIDS thông qua Mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus; 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), bằng việc giúp người nghiện ma túy kết nối với các dịch vụ về HIV/AIDS, cơ hội tiếp cận ARV. Bên cạnh đó, còn giúp người nghiện ma túy tuân thủ phác đồ điều trị bệnh lao, giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần...

Tại hội thảo, bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng triển phát triển cộng đồng đã giới thiệu dự thảo Mô hình chuyển gửi tiền xét xử và thông qua tòa án dự kiến thí điểm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, mô hình này có mục tiêu tăng cường phối hợp giữa cơ quan tư pháp, y tế, xã hội và cộng đồng trong hỗ trợ tiếp cận và tuân thủ các dịch vụ y tế, xã hội và pháp lý phù hợp tại cộng đồng đối với người sử dụng ma túy. Mô hình này giúp người nghiện ma túy đạt được hiệu quả điều trị nghiện cao nhất, giảm tỷ lệ tái nghiện và tái phạm tội do tác động của ma túy. Cùng với đó, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy.

Các đại biểu dự Hội thảo đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc triển khai thí điểm mô hình này như: Nhiệm vụ của các cơ quan liên quan theo Khung mô hình thí điểm; tiêu chí xác định người sử dụng ma túy được chuyển gửi; kế hoạch triển khai, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục của hai thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...

Mô hình chuyển gửi tiền xét xử và thông qua tòa án dự kiến được thí điểm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là dự án kết hợp giữa ba đơn vị: Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội); Cục Quản lý dịch vụ điều trị nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, trong đó Cục Quản lý dịch vụ điều trị nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ là đơn vị hỗ trợ kinh phí thực hiện.

Thu Phương (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm