Chính trị

Tin tức

Tăng cường kết nối giữa Quốc hội với cử tri

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quốc hội khóa XIV đang tiến hành kỳ họp thứ 5 với nhiều dự án luật quan trọng được thảo luận và xem xét thông qua. Dù được xem là kỳ họp ngắn nhất, chỉ 25 ngày, nhưng dự kiến sẽ có 15 phiên họp được phát thanh, truyền hình (PT-TH) trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, chiếm 40% thời lượng của kỳ họp. Điều đó cho thấy, hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, tính gắn kết giữa Quốc hội với cử tri ngày càng chặt chẽ hơn.

Trong 25 ngày của kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ dành ra 12 ngày cho công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, có nhiều dự án luật được thảo luận, thông qua như: Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Phòng-chống tham nhũng (sửa đổi), Luật An ninh mạng… Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tối cao và xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác. Đáng chú ý là hoạt động của Quốc hội được cải tiến theo hướng ngày càng công khai, dân chủ. Đặc biệt là hoạt động PT-TH trực tiếp nhiều phiên họp quan trọng của Quốc hội đã đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước về những vấn đề quan trọng mà họ quan tâm.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Tại kỳ họp lần này, ngoài những nội dung được tường thuật trực tiếp theo quy định, dự kiến phiên họp giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2020 và phiên thảo luận về dự án Luật Phòng-chống tham nhũng (sửa đổi) cũng sẽ được PT-TH trực tiếp, chiếm  40% thời gian của kỳ họp.

Việc tăng thời lượng tường thuật trực tiếp thể hiện tinh thần của Quốc hội về tăng tính công khai, cầu thị trước cử tri, đồng thời muốn truyền tải những âm thanh, hình ảnh chân thực nhất, sinh động nhất từ nghị trường đến với cử tri-nơi những nhà lập pháp đưa hơi thở cuộc sống vào nghị trường, để soi rọi, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp với thực tế cuộc sống; nơi diễn ra những tranh luận nảy lửa của các đại biểu về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề bức xúc của xã hội. Tăng cường việc PT-TH trực tiếp hoạt động của các kỳ họp Quốc hội còn là cách tăng cường sự giám sát của người dân với đại biểu dân cử, để cử tri biết được những tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của mình có được đại biểu phản ánh đến các cơ quan chức năng hay không. Điều này tác động rất lớn đến các đại biểu. Ai muốn trở thành đại biểu thực sự của dân thì phải có “tiếng nói” trên nghị trường. Tăng cường PT-TH trực tiếp các phiên họp của Quốc hội cũng là cách tăng thêm trách nhiệm lên vai các vị tư lệnh ngành, các thành viên Chính phủ về trách nhiệm giải trình, khả năng tương tác với đại biểu Quốc hội trước những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.

Không chỉ tăng thời lượng PT-TH trực tiếp các phiên chất vấn và trả lời chất vấn mà cách thức tiến hành cũng có nhiều cải tiến theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”, nhằm tăng cường tính tranh luận, khi mỗi đại biểu Quốc hội chỉ có 1 phút để đặt câu hỏi. Người được chất vấn cũng chỉ trả lời sau khi có 3 người hỏi, thời gian trả lời cũng chỉ 3 phút cho mỗi người. Sự cải tiến này sẽ tăng thêm tính tương tác giữa các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ với đại biểu Quốc hội-điều mà cử tri quan tâm nhất trong mỗi kỳ họp. Sự tương tác ấy còn cho thấy trách nhiệm của người được chất vấn, đồng thời cũng khẳng định được năng lực của mỗi đại biểu Quốc hội trong vai trò thực thi nhiệm vụ đại biểu dân cử của mình. Có lẽ vì thế mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có lần đã đánh giá: “Việc tăng các buổi PT-TH trực tiếp là cách gắn kết hoạt động của Quốc hội với cử tri, là cầu nối giữa nghị trường với lòng dân”.

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm