Kinh tế

Tài chính

Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng trong năm 2016 được đánh giá sẽ đạt, song nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng là vấn đề đáng quan ngại…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có kế hoạch đầu tư vốn phát triển kinh tế-xã hội gắn với mục tiêu đảm bảo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh, khu vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20%. Đây là tín hiệu tích cực để giảm dần tỷ trọng vốn phi sản xuất, góp phần hạn chế tình trạng nợ xấu, giảm nguy cơ mất an toàn trong hoạt động tín dụng. Hiện dư nợ cho vay của toàn ngành đã đạt 60.675 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,51% tổng dư nợ. So với mức chung của cả nước, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn ở mức thấp, song đầu tư tín dụng trong thời điểm nền kinh tế có nhiều nguy cơ rủi ro thì các NHTM cho rằng yếu tố khách quan lẫn chủ quan đều phải hết sức cẩn trọng.  

Thời gian trước, phát triển tín dụng ở một số chi nhánh ngân hàng cổ phần khá nhanh, nhiều DN vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận vốn mà việc phân loại và đánh giá mức độ tín nhiệm lại chưa chặt chẽ. Mặc dù tỷ trọng nợ xấu đã giảm so với cuối năm ngoái nhưng tình hình nợ xấu đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây khi tỷ trọng vốn huy động và cho vay mất cân đối. Điều này sẽ mang đến rủi ro, gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng toàn ngành. Ông Ngô Văn Đốc-Giám đốc Chi nhánh Vietinbank Gia Lai đánh giá, hiện nay công tác quản trị nợ xấu của ngành ngân hàng trên địa bàn trong ngưỡng “lý tưởng”, song vẫn tiềm ẩn rủi ro khi các ngân hàng đang phải nhận điều chuyển vốn từ Trung ương đến 50%.

 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tục ban hành các công văn với nội dung tăng cường kiểm soát trong hoạt động cấp tín dụng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện mở rộng tín dụng đối với khách hàng song phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, hạn chế cấp tín dụng vượt giới hạn vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong quá trình cho vay phải giám sát chặt chẽ để có biện pháp quản trị dự án, phòng ngừa rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường…

Mặt bằng lãi suất tương đối thấp, nhưng khả năng hấp thụ vốn chưa tốt, nguy cơ rủi ro tín dụng rất lớn trong điều kiện hiện nay là bởi tác động từ giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc biệt là giá mủ cao su vẫn ở mức thấp; tình trạng hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của DN và hộ dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hoạt động sản xuất ở các khu công nghiệp của tỉnh chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, chưa hình thành các ngành sản xuất trọng điểm. Ngoài những DN được xếp hạng tín nhiệm cao, còn không ít DN chấp nhận vay vốn nhưng hoạt động không hiệu quả, do đó khi chi phí bị đội lên, nhiều DN phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, lợi nhuận không có, thậm chí là lỗ, nên khả năng thanh toán nợ ngân hàng đến hạn cũng rất khó khăn. Mặt khác, nhiều dự án xây dựng cầm chừng vì chi phí đầu vào quá cao, một số vụ vỡ nợ lớn trên địa bàn làm người vay mất khả năng thanh toán, thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp liên tục xảy ra… là những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu.

“Mặc dù đã nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế, song đầu tư tín dụng ở một số lĩnh vực đang tiềm ẩn rủi ro cho ngành ngân hàng. Trên thực tế có nhiều ngân hàng nới lỏng điều kiện vay vốn hoặc chạy chỉ tiêu tăng trưởng nên chấp nhận những khách hàng chưa thật sự tốt. Trong điều kiện hiện nay, chi nhánh chỉ có thể hỗ trợ khách hàng qua việc cởi trói về giá vốn, chứ không thể cởi trói về điều kiện”-ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai chia sẻ. Ông Đào cũng cho biết, trong 4 năm qua, hoạt động tín dụng của chi nhánh không phát sinh nợ xấu.

Với mục tiêu kiểm soát và duy trì nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ, các NHTM đang tích cực rà soát và thu hồi các khoản vay đến hạn; rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất phù hợp. Trong nửa đầu năm 2016, các NHTM trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng với số tiền 597 tỷ đồng. Nhờ đó, các DN có điều kiện tái cấu trúc về tài chính, vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, môi trường kinh doanh bất lợi, chi phí đầu vào tăng, DN hoạt động không có lãi khiến hiệu quả đồng vốn tín dụng bị ảnh hưởng. Do đó, việc thẩm định ưu tiên sử dụng vốn sao cho an toàn, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đang được các NHTM thực hiện theo quy trình chặt chẽ.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm