Bạn đọc

Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh rượu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 1-11-2017, Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu sẽ chính thức có hiệu lực. Những quy định mới trong nghị định này là cơ sở pháp lý quan trọng không chỉ tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn mà còn có tác động mạnh đến cả người tiêu dùng.

Nhiều vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu

Chỉ cần gõ từ khóa “ngộ độc rượu ở Gia Lai” lên trang tìm kiếm google, trong 0,5 giây đã có 204.000 kết quả hiện ra. Điều này cho thấy, tình trạng ngộ độc rượu xảy ra không ít ở tỉnh ta. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Câu trả lời có lẽ là bởi việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn vẫn còn nhiều lỗ hổng; nhiều cơ sở sản xuất rượu thủ công chưa đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tình trạng rượu giả, giả mạo nhãn mác… vẫn tồn tại. Đó là chưa kể thói quen sử dụng rượu vô tội vạ của nhiều người gây ra biết bao hệ lụy đáng tiếc.

 

Lực lượng Quản lý Thị trường tổ chức tiêu hủy rượu giả. Ảnh: L.L
Lực lượng Quản lý Thị trường tổ chức tiêu hủy rượu giả. Ảnh: L.L

Thống kê mới nhất từ Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có trên 2.200 cơ sở sản xuất rượu thủ công và chỉ có 1 doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp (Công ty cổ phần Rượu Trường Sinh). Tuy nhiên, số lượng cơ sở tham gia tập huấn ATVSTP chưa nhiều. Đến nay, Sở Công thương chỉ mới cấp giấy xác nhận kiến thức ATVSTP  cho trên 400 cơ sở (chiếm 18%).

Không chỉ nhiều cơ sở sản xuất rượu thủ công thiếu ý thức trong việc chấp hành ATVSTP, mà các cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận cũng sẵn sàng bán rượu giả, rượu chứa chất độc hại... Theo Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh, trong các đợt cao điểm kiểm tra thị trường rượu vào quý II và quý III năm 2017, lực lượng đã phát hiện và xử lý 23 vụ vi phạm, lập biên bản xử phạt 96 triệu đồng, tịch thu 2.344 chai rượu Vodka giả, 900 chai và 76 can (loại 5 lít) rượu gạo nhãn hiệu Quê Hương không có tem rượu sản xuất trong nước (tổng trị giá hàng tịch thu trên 60 triệu đồng). Bên cạnh đó, Chi cục đã vận động 19 cơ sở kinh doanh tự tiêu hủy tại chỗ 138 chai rượu Vodka và 213 lít rượu nấu thủ công.

Siết chặt quản lý

Theo ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương, Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu có hiệu lực từ ngày 1-11-2017 sẽ là cơ sở quan trọng trong việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn. Trong nghị định này, hoạt động kinh doanh rượu được quy định rõ, chi tiết từ  sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ và bán tiêu dùng tại chỗ. Quy định đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công cũng được siết chặt hơn. Những cơ sở sản xuất với mục đích kinh doanh thì phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm các điều kiện về ATVSTP,  ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.

Nếu những đơn vị sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp  có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại thì phải có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp đó. Trường hợp không bán cho doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp, cơ sở sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh... “Những quy định này sẽ giúp minh bạch các cơ sở sản xuất rượu thủ công, sàng lọc ra những cơ sở đủ và không đủ điều kiện. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng truy xuất nguồn rượu khi có sự cố đáng tiếc xảy ra”-ông Lộc nhấn mạnh.

Là chủ một cơ sở nấu rượu thủ công, bà Trần Thị Bích Hạnh (tổ 5, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho biết: “Quy mô sản xuất của gia đình quá nhỏ, mỗi ngày chỉ nấu chừng 10 kg gạo, chủ yếu là lấy bã rượu nuôi heo còn rượu sử dụng trong gia đình hoặc một số người quen chứ không bán rộng ra thị trường. Nghị định ra thì chúng tôi sẵn sàng thực hiện, chỉ mong cơ quan quản lý hướng dẫn cụ thể thủ tục. Đồng thời làm tốt vai trò kết nối giúp  chúng tôi tiêu thụ”.

Trong khi đó, những đơn vị kinh doanh, phân phối rượu cho rằng nghị định mới sẽ góp phần lành mạnh hóa thị trường rượu. Bà Phạm Thị Hồng Xuân-đại diện Công ty TNHH một thành viên Xuân Nhàn (TP. Pleiku), nói: “Công ty chủ yếu làm đại lý phân phối rượu cho những thương hiệu nổi tiếng nên hàng hóa đều đầy đủ tem nhãn, nguồn gốc... Những quy định mới trong Nghị định 105 sẽ góp phần chấn chỉnh tình trạng rượu giả, rượu giả mạo nhãn hiệu trên thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên địa bàn”.

 

Quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi, không bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng internet… là một trong những điểm mới của Nghị định 105/2017/NĐ-CP. Quy định này sẽ tác động mạnh đến người tiêu dùng, đặc biệt là đối tượng thanh-thiếu niên. Bởi đã có nhiều hệ lụy xuất phát từ việc  thanh-thiếu niên uống rượu dẫn đến đánh nhau, vi phạm an toàn giao thông, gây tai nạn… Theo phân tích của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017, lỗi vi phạm do sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông chiếm đến 14,55%; xét về tỷ lệ giới tính trong các vụ tai nạn giao thông thì nam chiếm đến 81,31%.

Không chỉ siết chặt về các điều kiện, thủ tục, Nghị định 105/2017/NĐ-CP còn quy định kiểm soát chặt chẽ về chất lượng rượu. Cụ thể, sản phẩm rượu lưu thông trên thị trường nếu chưa có quy chuẩn kỹ thuật, phải được công bố phù hợp quy định ATVSTP và đăng ký bản công bố phù hợp quy định ATVSTP với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Anh Đức Long-chủ cửa hàng rượu ngâm Hoàng Long (đường Cánh Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku), cho biết: “Cửa hàng mới mở, song các sản phẩm của cửa hàng đều có nguồn gốc rõ ràng nên việc thực hiện nghị định mới là không mấy khó khăn. Hiện cửa hàng đang chờ cơ quan chức năng đến thẩm định”.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm