Chính trị

Tin tức

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 15-2, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các ban Đảng Tỉnh ủy và Bí thư, Chủ tịch, Chánh Thanh tra các huyện, thị xã, thành phố.

Những kết quả tích cực

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 35. Đồng thời, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình thực hiện chỉ thị này, trong đó xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Cùng với đó, các cơ quan như Ban tiếp công dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, các cơ quan tư pháp… đã tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời tham mưu và đề xuất cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có những chỉ đạo kịp thời trên lĩnh vực này.

 

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: V.H
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: V.H

Trong năm 2016, toàn tỉnh có 4.527 lượt công dân đến các cơ quan chức năng để kiến nghị, phản ánh, khiếu nại. Các cơ quan hành chính nhà nước tiếp 2.921 lượt công dân, trong đó tiếp thường xuyên là 1.168 lượt, tiếp định kỳ là 1.753 lượt; MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp 337 lượt công dân; các cơ quan tư pháp 2 cấp của tỉnh tiếp 1.269 lượt công dân.

Trên lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận 1.738 đơn, thư các loại (giảm 806 đơn so với năm 2015) gồm: 195 đơn khiếu nại, 119 đơn tố cáo và 1.469 đơn kiến nghị. Các cơ quan chức năng đã xác minh, giải quyết 133/133 đơn thuộc thẩm quyền. Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp 2 cấp cũng đã tiếp nhận, thụ lý 1.636 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Trong đó, thuộc thẩm quyền giải quyết  là 635 đơn, đã giải quyết xong 492 đơn, đang tiếp tục giải quyết 149 đơn.

Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm người đứng đầu

Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nêu rõ: Mặc dù công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn những tồn tại và hạn chế cần khắc phục. Theo đó, một số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nhưng công dân vẫn về tỉnh để kiến nghị, khiếu nại; việc đối thoại với công dân ở một số địa phương chưa thực hiện nghiêm; một số cơ quan, chính quyền các cấp chưa giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các đại biểu cần thảo luận và đề ra những giải pháp cụ thể.

Nói về những giải pháp để giải quyết tình trạng khiếu nại, tố cáo, đồng chí Trần Hữu Đức-Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh cho rằng: Hiện nay, có một số vụ việc tồn đọng, kéo dài, trong đó có 11 vụ liên quan đến các cơ quan tư pháp. Chính vì thế, các cơ quan tư pháp cần tích cực nghiên cứu, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tìm biện pháp giải quyết. Thời gian tới cần tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài.

Cũng theo đồng chí Trần hữu Đức, có khoảng 70% vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Đồng quan điểm này, đồng chí Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho rằng, việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ các công trình sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, vì vậy dễ xảy ra khiếu nại, tố cáo. Chủ tịch UBND thành phố Pleiku nhấn mạnh: Quân bình mỗi năm, TP. Pleiku thu hồi 10 ha đất. Đến nay, thành phố vẫn còn 1 trường hợp chưa giải quyết xong liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, chính vì thế giải pháp căn cơ là tăng cường đối thoại với nhân dân.

Một vấn đề nhức nhối là khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp. Chủ tịch UBND huyện Chư Sê Nguyễn Hồng Linh cho rằng: Nhiều đơn, thư phản ánh nhưng có nội dung khiếu nại, tố cáo. Người tiếp nhận đơn không phân biệt rõ nên làm văn bản trả lời, dẫn đến công dân tiếp tục làm đơn gửi cơ quan cao hơn. Vì thế, cần tăng cường vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo; đồng thời phải tổ chức tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm ở lĩnh vực này.

Để hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo, đồng chí Võ Ngọc Thành-Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Trước hết, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu. Đa số đơn thư gửi lên tỉnh là do ở cơ sở giải quyết không dứt điểm, để tồn đọng kéo dài dẫn đến nhiều hệ lụy. Các địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại với dân; người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tiếp công dân, không cử chuyên viên đi thay. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, đề xuất và tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh có biện pháp xử lý những trường hợp lợi dụng khiếu kiện để gây rối.

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh:

 

Những kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua rất đáng ghi nhận. Thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị cần nêu cao trách nhiệm của mình trong việc đối thoại với dân và tiếp công dân theo sự phân công. Bí thư cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo và phân công trách nhiệm cho các đồng chí trong Ban Thường vụ, cấp ủy giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết đơn thư dứt điểm từ cơ sở. Các cơ quan tiếp nhận đơn cần nghiêm túc nghiên cứu, xem xét kỹ, tránh tình trạng đơn thư chuyển nhiều nơi dẫn đến công dân tiếp tục khiếu nại tố cáo.

 Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm