Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh quan điểm phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội… để đưa du lịch Việt Nam phát triển thực sự chuyên nghiệp, chất lượng.
Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với 8 nhóm giải pháp. Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định đây là những cơ sở, định hướng quan trọng để ngành du lịch triển khai xây dựng các kế hoạch, hành động, các giải pháp cụ thể.
Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang có nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển nhanh, bền vững. |
Thay đổi tư duy trong phát triển du lịch
Từ góc độ vĩ mô, ông Tuấn cho rằng Chương trình hành động của Chính phủ hướng tới kiện toàn bộ máy quản lý du lịch từ cấp trung ương đến địa phương theo hướng đồng bộ và chuyên nghiệp hóa, nâng cao năng lực và trách nhiệm. Cơ cấu ngành du lịch đổi mới theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp hóa, trong đó DN du lịch giữ vai trò động lực.
Chính quyền địa phương giữ vai trò tham mưu cho cơ quan quản lý cấp trên để hoạch định những chính sách, cơ chế phù hợp. Đồng thời, chịu trách nhiệm phối hợp với các cấp, ngành liên quan để thực hiện những chương trình, đề án phát triển du lịch trên địa bàn.
Đặc biệt là những dự án đầu tư, xây dựng mới cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, khu mua sắm… cao cấp tại những trung tâm du lịch. Dần hình thành hệ thống tổ hợp khách sạn kết hợp với trung tâm thương mại, kết hợp nghỉ dưỡng và tổ chức sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế. Cải tạo, nâng cấp các cơ sở lưu trú, ăn uống, giải trí… nhằm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, tiện nghi, vệ sinh, an toàn và bảo vệ môi trường.
"Các địa phương cần cải cách mạnh mẽ trong thủ tục hành chính, tạo cơ chế, chính sách rõ ràng, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch", ông Tuấn khuyến nghị.
Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch cần được đổi mới cả nội dung và hình thức về thông tin điểm đến bằng nhiều thứ tiếng, trên nhiều phương tiện khác nhau (website, blog, mạng xã hội…).
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng nhấn mạnh yêu cầu chuẩn hóa nội dung, các tiêu chí về đào tạo du lịch theo tiêu chuẩn của ASEAN. Trong đó việc ban hành bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia và thành lập Hội đồng cấp chứng chỉ quốc gia phù hợp với Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng tới phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên du lịch, tăng cường hợp tác quốc tế.
Chuyên nghiệp trong kinh doanh du lịch
Ông Nguyễn Văn Tuấn bày tỏ quan điểm tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh du lịch thể hiện ở sự đồng bộ, hợp lý, chất lượng trong chuỗi dịch vụ du lịch và chuỗi giá trị du lịch.
Tài nguyên Du lịch Việt Nam rất đa dạng và phong phú, trải dài từ Bắc đến Nam. Mỗi vùng miền lại có những nét đặc trưng về tự nhiên và văn hóa khác nhau. Các doanh nghiệp du lịch cần nghiên cứu để tạo ra các dòng sản phẩm đặc trưng, chuyên biệt, phát huy tối đa giá trị tài nguyên du lịch vốn có của địa phương và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu du khách. Đồng thời liên kết các sản phẩm du lịch để tạo thành chuỗi dịch vụ giúp du khách trải nghiệm nhiều điểm đến trong một hành trình.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch cần tập trung cho công tác phát triển thị trường trọng điểm, đổi mới nội dung và cách thức tiếp cận du khách. Đồng thời tận dụng lợi thế về công nghệ thông tin, truyền thông, mạng xã hội... để quảng bá, cung cấp những thông tin về điểm đến, dịch vụ tốt nhất cho du khách. Quan trọng hơn là các doanh nghiệp sẽ có sự tương tác đối với khách du lịch để nắm bắt nhu cầu và phản hồi sau mỗi chuyến đi.
Với việc ban hành bộ quy tắc ứng xử đầu tiên về du lịch trên quy mô cả nước, ông Tuấn đánh giá đây sẽ là công cụ quan trọng để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hình thành thói quen, cách ứng xử văn minh, lịch sự của những người làm du lịch. Qua đó, tạo dựng hình ảnh con người Việt Nam văn minh, thân thiện và mến khách.
Phương Liên/Chinhphu.vn