Không còn chung một mức học phí do Bộ Tài chính quy định như trước đây, từ ngày 15-7-2011, mức học phí đào tạo lái xe ô tô mới được áp dụng, mỗi cơ sở có mức thu học phí khác nhau, thậm chí có cơ sở đưa ra mức thu học phí thấp hơn đến 2 triệu đồng so với các cơ sở khác. Sự cạnh tranh về mức thu học phí đã tạo điều kiện cho các học viên lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp nhưng liệu mức học phí này đã thực sự hợp lý hay chưa có lẽ cần có sự kiểm chứng của các ngành chức năng.
Tại địa bàn Gia Lai hiện có 6 cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, trong đó có 3 cơ sở có chức năng đào tạo lái xe ô tô. Trước đây, mức học phí đào tạo lái xe cơ giới đường bộ được ấn định chung cho tất cả các cơ sở đào tạo lái xe như hạng B 3.250.000 đồng, hạng C 4.650.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi Thông tư 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT của liên bộ Tài chính-Giao thông-Vận tải ban hành ngày 27-5-2011 cho phép cơ sở đào tạo lái xe tự hạch toán và quản lý theo từng loại đào tạo thực tế tại cơ sở thì mức học phí của từng cơ sở đào tạo đã được điều chỉnh tăng lên gấp đôi, gấp ba so với mức cũ.
Trung tâm Đào tạo Nghề-Quân khu 5 sửa sang, nâng cấp bãi tập thực hành tổng hợp để nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: Lê Lan |
Tương tự, Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai mức học phí đào tạo GPLX các hạng B2 7.861.000 đồng, hạng C 11.678.000 đồng. Riêng học phí nâng cấp GPLX từ hạng B2 lên C, D hoặc từ C lên D thì các cơ sở chỉ chênh lệch vài trăm ngàn đồng.
Lý giải nguyên nhân tăng học phí cũng như việc tăng học phí không đồng đều giữa các cơ sở, Ông Tăng Xuân Kiên- Trưởng phòng Quản lý Phương tiện người lái (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết: Việc xây dựng tăng học phí đào tạo lái xe là cần thiết bởi mức học phí cũ đã được ban hành khá lâu và được điều chỉnh thêm 20% theo Thông tư 26/2007/TTLT-BTC của Bộ Tài chính. Tại thời điểm ấy, xăng dầu chỉ ở giá 11.000-12.000 đồng/lít, trong khi giá xăng dầu hiện nay đã tăng lên gấp đôi (trên 20.000 đồng/lít) vì vậy, mức tăng học phí này rất hợp lý. Việc xây dựng mức thu học phí sẽ căn cứ trên cơ sở pháp lý và tình hình thực tế nên tùy thuộc vào năng lực tài chính, trình độ quản lý và điều kiện cơ sở vật chất của từng cơ sở mà mức học phí cũng được tính khác nhau. Cơ sở được Nhà nước đầu tư về vật chất thì học phí sẽ giảm hơn do không phải đầu tư trang-thiết bị hoặc trả lãi suất ngân hàng…”.
Còn ông Nguyễn Bá Hiền- Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghề-Quân khu 5 lại cho rằng “Mục tiêu chính của Trung tâm là đào tạo nghề cho người lao động và bộ đội xuất ngũ. Vì vậy, Trung tâm đã tính toán giảm tối đa mức thu học phí, đặc biệt là đối với học phí đào tạo GPLX hạng C do đa số học viên học C là những người lao động thực sự cần nghề, cần việc làm, họ thường là lao động phổ thông chưa có việc làm, nguồn tài chính lại rất hạn hẹp. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tạo điều kiện cho học viên được ở ký túc xá miễn phí”.
Tại các tỉnh Đak Lak và Bình Định mức học phí đào tạo GPLX hạng B2 chỉ 5.850.000 đồng-5.950.000 đồng, hạng C ở Bình Định là 7.700.000 đồng còn ở Đak Lak là 8.150.000 đồng. Ở Gia Lai dù là cơ sở có mức học phí thấp nhất (9.429.000 đồng đối với hạng C) vẫn cao hơn so với các địa phương khác 1.200.000 đồng-1.700.000 đồng, thậm chí có cơ sở cao hơn gần 4 triệu đồng. |
Ngoài ra, một vấn đề được dư luận khá quan tâm hiện nay là việc tăng học phí liệu có đi đôi với tăng chất lượng đào tạo hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Tăng Xuân Kiên khẳng định: “Chất lượng đương nhiên sẽ cao hơn bởi Thông tư 72 quy định trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở sẽ thường xuyên thanh- kiểm tra nếu các cơ sở đào tạo nào vi phạm trong việc phụ thu học phí hay cắt xén chương trình đào tạo sẽ bị xử lý nghiêm”.
Lê Lan