TN - Đất & Người

Tang lễ mổ bò: Tập tục gây nhiều hệ lụy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo tập quán của người Jrai ở Krông Pa, Gia Lai, mỗi khi nhà nào có người chết thì gia đình sẽ mổ bò hay heo để mời cả làng đến chia buồn, đồng thời cũng là hình thức tiễn đưa người quá cố. Tuy nhiên, tập quán này gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của nhiều gia đình.
Ông Rcom Y Doach (buôn Jrông, xã Ia Hdreh) chia sẻ: “Hơn 1 tháng trước, mẹ vợ tôi chết. Khi tổ chức tang lễ cho bà, gia đình tôi đã “đốt” một con heo và một con bò. Trong đó, heo thì bà con họ hàng mang đến viếng còn bò thì phải đi mua nợ. Hiện gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà có 8 người con nên tiền trả nợ bò sẽ rất khó khăn. Nhưng không biết làm sao vì tập quán xưa nay là vậy”.  
 Người dân làm bò để tổ chức tang lễ. Ảnh: P.N
Người dân làm bò để tổ chức tang lễ. Ảnh: P.N
Tương tự, gia đình anh Nay Rinh (buôn Tăng, xã Krông Năng) cũng lâm vào tình cảnh khốn đốn vì thường xuyên có người đến nhà đòi nợ do trước đó anh đã mượn một số tiền lớn để mua bò về làm tang lễ cho mẹ. Anh Ring cho biết: “Khi mẹ tôi mất, gia đình khó khăn nên phải đi vay mượn tiền của một số người để mua 10 con bò về “đốt” mời cả làng và bà con họ hàng đến chia buồn. Bây giờ, gia đình không có tiền trả cho họ vì số tiền lãi rất cao”.
Nhiều gia đình đã nhận ra rằng tập quán này không còn phù hợp, nhưng vì nó đã có từ lâu và sợ dân làng xa lánh nên họ đành phải làm theo dù không có khả năng chi trả. Anh Rơ Chăm Joa (buôn Bluk, xã Phú Cần) cho biết: “Hơn một năm trước, khi cha tôi mất, gia đình đã phải giết 4 con bò và nhiều heo để tổ chức tang lễ. Ngoài tiền mua bò và heo thì còn phải chi phí nhiều thứ khác nữa. Biết tập quán này lạc hậu rồi nhưng cũng không biết làm sao”.
Nắm bắt tình hình thực tế, những năm qua, chính quyền xã Krông Năng thường xuyên tuyên truyền bà con trong các buổi họp dân về việc chi phí sao cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình mỗi khi làm tang lễ cho người thân, đồng thời không nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng cho vay với lãi suất cao. Ông Ksor Lía-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Krông Năng-cho hay: “Theo tập quán từ xưa đến giờ, trong làng mỗi khi gia đình nào có người chết thì anh em, họ hàng rồi cô dì, chú bác đem 5-10 con bò đến giết để viếng. Nếu heo thì số lượng từ 10 đến 15 con. Ngoài ra, người dân trong làng còn đem gạo, rượu cùng một số thực phẩm khác để đi viếng. Qua thực tế cho thấy, việc tổ chức như vậy rất lãng phí, gây ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình. Thời gian qua, Mặt trận và các đoàn thể của xã đã nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, không nên đi vay tiền để về tổ chức tang lễ, tránh lãng phí”.
Trao đổi với P.V, ông Dương Tấn Bá-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa-khẳng định: “Thời gian qua, vẫn còn một số ít hộ đồng bào Jrai trên địa bàn huyện tổ chức tang lễ cho người thân không phù hợp với điều kiện thực tế. Để hạn chế tình trạng này, thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo Mặt trận các xã tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu rõ và không níu kéo những tập tục gây ảnh hưởng xấu đến gia đình. Vì vậy, trước hết mỗi người phải tự thay đổi mình. Nói như vậy không có nghĩa là bỏ đi mà phải làm cho nó trở nên phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình, tránh lãng phí, đồng thời chú trọng công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong tổ chức ma chay, bỏ mả”.
Phạm Ngọc

Có thể bạn quan tâm