(GLO)- Một số ngân hàng thương mại vừa gửi kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước về việc có lộ trình điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM nhằm bảo đảm bù đắp một phần chi phí cho các ngân hàng có đầu tư hệ thống ATM. Theo Thông tư 35/2012 của NH Nhà nước quy định về phí dịch vụ thẻ ghi, thì từ ngày 1-1-2015 các NH được thu tối đa phí rút tiền nội mạng và ngoại mạng là 3.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Việc các ngân hàng lắp đặt các trụ ATM không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch tiền, mà còn tạo một lượng tiền mặt lớn nằm trong hệ thống ATM của ngân hàng. Một công nhân cho rằng, nếu trong tài khoản anh luôn duy trì 100.000 đồng, thì với hàng chục vạn công nhân nghèo như anh, ngân hàng đã giữ được một số tiền mặt lớn. Dĩ nhiên ngân hàng có trả lãi, nhưng không đáng kể.
Vậy nếu bây giờ ngân hàng tăng thu phí dịch vụ qua ATM, số người giữ một lượng tiền ít không cảm thấy dễ chịu nữa, họ sẽ không giao dịch qua thẻ, mà quay lại giao dịch qua “kênh cổ điển” là giao dịch tiền mặt. Lâu nay, chuyện “cà thẻ” là câu chuyện của những người có nhiều tiền trong tài khoản, chứ không phải câu chuyện của người có ít tiền, cũng trong tài khoản. Hãy nghĩ tới hàng triệu công nhân có thu nhập rất thấp, chẳng có gì ngoài đồng lương ít ỏi, vậy nếu họ phải chịu thêm khoản thu phí tăng khi giao dịch qua ATM thì sẽ ra sao? Hãy nghĩ tới lượng tiền trong tài khoản hàng triệu công nhân ấy, rồi cân nhắc hơn thiệt, ngân hàng sẽ không tính tới chuyện xin tăng phí qua ATM nữa.
Nuôi nguồn thu là một chuyện lớn. Và trong quá trình nuôi nguồn thu, phải biết bỏ qua những cái lợi nhỏ, chứ đằng nào cũng muốn, con cá to cũng ưng con tép nhỏ cũng không chừa, thì rốt cuộc lợi sẽ bất cập hại. Về chuyện này, một độc giả đã viết thẳng: “Lại một ông nữa vận hành theo cơ chế thị trường nhưng dịch vụ thì lại theo cơ chế... trên trời!”.
Theo Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô lớn tại TP. Hồ Chí Minh, thì: “Với mức thu phí rút tiền như hiện nay ngân hàng đang bị lỗ. Với 3.300 đồng/lần rút tiền thu từ chủ thẻ, ngân hàng chỉ nhận được 1.650 đồng, còn lại trả cho trung gian thanh toán nên đề nghị tăng phí nhằm bù đắp một phần chi phí cho ngân hàng đầu tư hệ thống ATM là dễ hiểu”. Ai kinh doanh cũng muốn có lời nhanh, nhưng có những khoản lợi nhuận bền vững lại đòi hỏi sự kiên nhẫn. Không ai kinh doanh lại tính lỗ lãi một cách đơn lẻ như vậy cả. Cái ATM chỉ là một phần nằm trong tổng thể kinh doanh tiền tệ, nên khi tính lỗ lãi phải tính cả tổng thể chứ không chia ra tính từng khoản đơn lẻ. Mà ngay trong khoản sử dụng ATM, lượng tích lũy tiền mặt trong thẻ của khách hàng chẳng lẽ không mang lại cho ngân hàng khoản lợi lớn nào? Đây là ngân hàng kinh doanh chứ đâu phải ngân hàng từ thiện xã hội mà không cần tính lỗ lãi. Có điều, cần biết chấp nhận những khoản lỗ nhỏ để có những khoản lãi lớn. Vậy thôi.
Vì vậy, theo các chuyên gia, trong thời điểm này các ngân hàng thương mại chưa nên tăng phí giao dịch qua ATM mà có thể bù đắp chi phí qua các kênh khác như bán thêm sản phẩm dịch vụ, khuyến khích chủ thẻ thanh toán qua máy cà thẻ (POS) khi đi mua sắm hàng hóa, dịch vụ...
Cũng chỉ là những gợi ý cho ngân hàng vậy thôi. Còn bản thân các ngân hàng đều biết chắc rằng họ sẽ phải làm gì để có lãi mà vẫn duy trì được khách hàng, kể cả những “khách hàng nghèo” là hàng triệu công nhân.
Thanh Thảo