Kinh tế

Tăng thu nhập từ nuôi cá nước ngọt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mô hình nuôi cá nước ngọt được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai vào tháng 3-2016 với sự tham gia của 4 hộ tại xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện), mỗi hộ được cấp 40 kg cá giống và được hỗ trợ 50% giá thức ăn cho cá. Sau gần một năm thực hiện, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp hộ tham gia nâng cao thu nhập.

 Mô hình nuôi cá nước ngọt giúp nhiều hộ ở xã Chư A Thai nâng cao thu nhập. Ảnh: H.T
Mô hình nuôi cá nước ngọt giúp nhiều hộ ở xã Chư A Thai nâng cao thu nhập. Ảnh: H.T

Với sự hỗ trợ giống, kỹ thuật của cán bộ phụ nữ và Trung tâm giống thủy sản tỉnh Gia Lai, tháng 3-2016, chị Trương Thị Thoa (thôn Chí Linh) đã tận dụng 6 sào mặt nước của gia đình để nuôi cá trắm, chép, trôi. Trong đó, chị dành 1 sào để ươm cá giống và 5 sào còn lại nuôi cá thương phẩm. Sau 6 tháng nuôi, chị thu hoạch cá đợt I được 1,5 tấn, bán với giá 45.000 đồng/kg, tổng thu về gần 70 triệu đồng. Theo tính toán, chị Thoa còn 1 đợt thu hoạch nữa và ước sẽ thu thêm 50-60 triệu đồng. Chị Thoa chia sẻ: “Tham gia mô hình, tôi biết cách cho cá ăn cân đối theo giờ một cách khoa học với các loại thức ăn khá đơn giản như cỏ, bắp và bổ sung một ít cám công nghiệp. Bên cạnh đó, cách vệ sinh ao cá cũng không đến nỗi khó khăn, chỉ cần phơi ao, rắc vôi khử trùng và sau đó chặt cây mắm tôm để làm màu cho ao đảm bảo được nguồn nước sạch, ít mầm bệnh cho cá”.

Tương tự, tham gia mô hình, chị Bùi Thị Linh (thôn Chí Linh) cũng đã tận dụng 6 sào mặt nước của gia đình để nuôi cá kết hợp trồng lúa. Thức ăn cho cá đều được chị tận dụng từ vườn và ruộng lúa như cỏ, thóc. Vừa qua, gia đình chị thu hoạch được 1,1 tấn cá, bán được gần 50 triệu đồng. Chị Linh cho biết: “Do nuôi các loại cá truyền thống như: trắm, trôi, chép nên kỹ thuật không có nhiều mới lạ. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm giống thủy sản tỉnh Gia Lai, tôi ươm cá giống với kích cỡ lớn rồi mới đưa sang ao nuôi nên sức đề kháng của cá cao, ít dịch bệnh và chỉ sau 6 tháng đã cho thu hoạch. Hết đợt II, tôi sẽ thu thêm ít nhất 60 triệu đồng”.

 Bà Phạm Thị Điệu-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ  xã Chư A Thai cho biết: Cái khó nhất trong thực hiện mô hình là phải đảm bảo được nguồn nước đạt chất lượng để đàn cá ít bị bệnh. Tuy nhiên, nhờ được tập huấn kỹ nên nhiều hộ đã biết cách xử lý ao đúng kỹ thuật. Nhờ đó, đàn cá phát triển khá khỏe mạnh và hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Đến thời điểm này, nhiều hộ đã thu đợt I với số tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Nếu thuận lợi, mỗi hộ sẽ thu về ít nhất 120-130 triệu đồng/năm. Cũng theo bà Điệu, nuôi cá nước ngọt là mô hình phù hợp đối với xu thế phát triển kinh tế ở xã Chư A Thai. Hiện nay, nhiều hộ đã mạnh dạn đào ao và mua giống về nuôi. Vì vậy, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hộ về kỹ thuật để mô hình được nhân rộng có hiệu quả. Qua đó, giúp các hộ nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

 Nhật Hào

Có thể bạn quan tâm