Kinh tế

Tài chính

Tăng tốc giải ngân vốn tín dụng vào thời điểm cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 2 tháng cuối năm, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang tăng tốc giải ngân nguồn vốn tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong 10 tháng năm 2024, biểu đồ tăng trưởng tín dụng toàn ngành Ngân hàng tỉnh có xu hướng chậm và giảm so với cuối năm 2023. Nhưng trong tháng 11-2024, nguồn vốn tín dụng đang có xu hướng bật tăng nhanh khi các ngân hàng tập trung giải ngân vốn cho người dân, doanh nghiệp đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh vào dịp cuối năm.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu thị trường các tháng cuối năm. Ảnh: S.C

Đang trong giai đoạn tăng tốc sản xuất các sản phẩm phục vụ thị trường Tết, ông Trần Quang Sơn-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tiêu đỏ Gia Lai (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho hay: “Hiện nay, Công ty tập trung các nguồn vốn lưu động để sản xuất, cung cấp các mặt hàng hồ tiêu cho thị trường Tết. Đồng thời, tổ chức thu hoạch cà phê, thu mua tiêu xanh trái vụ để cung ứng cho các thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội”.

Tương tự, trước nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng tăng mạnh vào dịp cuối năm, Công ty TNHH một thành viên Hùng Dũng Chư Pưh (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) đã chủ động vay vốn để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Ngô Hùng Dũng-Giám đốc Công ty-chia sẻ: Đến nay, Công ty đã cơ bản cân đối được nguồn vốn để nhập hàng cung ứng cho các đối tác và tập trung thiết bị máy móc, nhân công triển khai thi công các công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn.

Để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, thực chất, đúng quy định. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên.

Các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng vật liệu xây dựng, đảm bảo cung ứng phục vụ các công trình tăng tốc thi công vào cuối năm. Ảnh: S.C

Tính đến cuối tháng 10, tổng nguồn vốn tín dụng của Agribank Đông Gia Lai đạt 12.708 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Trong đó, dư nợ của pháp nhân chiếm hơn 22% tổng dư nợ.

Ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Đông Gia Lai-thông tin: “Nhu cầu vốn, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế hiện rất tốt. Trong bối cảnh các nguồn vốn đầu tư công đang tăng tốc giải ngân, kéo theo nhu cầu vốn tín dụng tăng ở các ngành, lĩnh vực liên quan, 2 tháng cuối năm, Chi nhánh phấn đấu tăng trưởng dư nợ tín dụng 400 tỷ đồng, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân”.

Không chỉ chủ động cân đối, đáp ứng nguồn vốn lớn cho nhu cầu thị trường cuối năm, các tổ chức tín dụng tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.

Đồng thời, chủ động rà soát, đánh giá chất lượng các khoản cấp tín dụng và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng để xem xét áp dụng các giải pháp tháo gỡ khó khăn phù hợp.

Ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai-cho biết: “Hiện nay, tổng dư nợ tín dụng của Chi nhánh đạt 5.000 tỷ đồng. Trong 2 tháng cuối năm, chúng tôi tập trung giải ngân vốn tín dụng cho các dự án điện gió đầu tư dài hạn theo kế hoạch.

Cùng với đó, chủ động đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng lưu động ngắn hạn cho cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, thương mại, dịch vụ. Chi nhánh phấn đấu đến cuối năm, tổng dư nợ đạt 5.600 tỷ đồng theo kế hoạch được giao”.

Tính đến hết tháng 10-2024, tổng dư nợ tín dụng toàn ngành Ngân hàng tỉnh đạt hơn 116 ngàn tỷ đồng, giảm 0,2% so với cuối năm 2023. Với quy mô dư nợ lớn, nguồn vốn tín dụng giữ vai trò hỗ trợ đắc lực và duy trì sự ổn định cần thiết của các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng.

Điển hình như, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 57.577 tỷ đồng với 276.551 khách hàng; dư nợ cho vay chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đạt 7.610 tỷ đồng với 251 khách hàng; dư nợ cho vay chương trình bình ổn thị trường đạt 1.122 tỷ đồng; dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ theo ngành kinh tế đạt 18.164 tỷ đồng với 1.752 khách hàng.

Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-cho hay: “2 tháng cuối năm là thời điểm khối lượng vốn tín dụng giải ngân lớn, khả năng hấp thụ vốn mạnh. Ước tính đến cuối năm, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 124 ngàn tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2023”.

Có thể bạn quan tâm