Theo báo cáo của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, tổng nguồn vốn đến 30-9-2024 đạt 7.391 tỷ đồng (tăng 452 tỷ đồng so đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 6,5%). Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương 5.874 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 79,5% tổng nguồn vốn); nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất 1.033 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 14% tổng nguồn vốn); nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đạt 484 tỷ đồng (chiếm 6,5% tổng nguồn vốn).
Doanh số cho vay trong 9 tháng đạt 1.640 tỷ đồng (bằng 117,5% so cùng kỳ năm trước, với 38.249 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 1.170 tỷ đồng (bằng 137,6% so cùng kỳ năm trước). Tổng dư nợ lũy kế đến 30-9-2024 đạt 7.377 tỷ đồng (tăng 448 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 6,5%, đạt 98% kế hoạch) với 156.488 hộ vay. Bình quân dư nợ 1 phòng giao dịch 434 tỷ đồng, dư nợ 1 xã 33,5 tỷ đồng, dư nợ 1 tổ tiết kiệm và vay vốn 2,16 tỷ đồng; bình quân dư nợ 1 hộ 47 triệu đồng (tăng 2,4 triệu đồng so đầu năm). Chất lượng tín dụng đạt tốt, nợ xấu chiếm tỷ lệ 0,21% dư nợ (giảm 0,03% so đầu năm).
Trong 9 tháng năm 2024, hoạt động tín dụng chính sách đã giúp cho 4.300 lượt hộ nghèo, 5.344 lượt hộ cận nghèo, 1.836 lượt hộ mới thoát nghèo và 4.664 hộ gia đình tại các vùng khó khăn có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm, duy trì và ổn định việc làm cho 7.420 lao động; giúp 236 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đi học; giúp cho 13.326 hộ gia đình xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh... Nguồn vốn cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, hộ vay sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn 7 đơn vị cấp huyện chưa hoàn thành kế hoạch vốn ngân sách địa phương ủy thác năm 2024. Nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội, cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay chưa được phân bổ nên ảnh hưởng đến việc giải ngân, đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ dân trên địa bàn…
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao kết quả đạt được trong hoạt động tín dụng chính sách thời gian qua, thể hiện sự phối hợp rất tốt của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với các sở, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban đại diện Hội đồng Quản trị cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý rủi ro, tối ưu chi phí để tăng cường công tác khen thưởng, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho các thành viên Ban đại diện Hội đồng Quản trị, qua đó thực hiện ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cần làm tốt truyền thông nội bộ, tạo môi trường động lực qua việc tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình hay để áp dụng vào thực tiễn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn…
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 10 tập thể và 20 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2024.