(GLO)- Bên cạnh việc hỗ trợ, tư vấn thiết kế website cho doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương Gia Lai) còn liên kết với Sàn thương mại điện tử (TMĐT) BADASA của Bưu điện Việt Nam nhằm tạo bước đột phá trong hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu sẽ được giới thiệu trên Sàn TMĐT Badasa. Ảnh: D.Q |
Theo khảo sát của Bộ Công thương, doanh thu bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2016, chiếm 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo, TMĐT tại Việt Nam trong năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 25-30%. |
Tuy có thế mạnh về đặc sản nông nghiệp song hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế. Theo bà Nguyễn Thị Bích Thu-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại, nguyên nhân chủ yếu là do hạ tầng dịch vụ hỗ trợ TMĐT còn thiếu đồng bộ và thiếu tính kết nối. Đặc biệt, hạ tầng logistics (bao gồm các hoạt động: lưu trữ, luân chuyển hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi…) chưa hoàn thiện, thiếu vắng các nhà cung cấp chuyên nghiệp dịch vụ chuyển phát, hoàn tất đơn hàng cho TMĐT; giá thành dịch vụ còn cao, chưa đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Kết quả khảo sát của Bộ Công thương cho thấy, 40% khách hàng tham gia TMĐT trả lời khâu vận chuyển và giao hàng còn chậm, không chuyên nghiệp. “Chính vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức liên kết website TMĐT của các doanh nghiệp trên địa bàn với Sàn TMĐT BADASA chuyên về các sản phẩm, hàng hóa đặc sản vùng miền của Bưu điệnViệt Nam. Việc liên kết này không chỉ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp mà còn để bán và vận chuyển sản phẩm đến tận tay khách hàng. Hiện đã có 9 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (hầu hết là đơn vị có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2018) đã liên kết thành công như: trà Thịnh Phát, mật ong Phương Di, hồ tiêu Ngũ Sắc, cà phê Thùy Dung, hạt điều Hải Bình, tinh bột nghệ Bắc Tây Nguyên…”-bà Thu cho biết.
Được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại hỗ trợ xây dựng website và hệ thống thông tin nội bộ, lại được liên kết với Sàn TMĐT BADASA để bán hàng, bà Trần Thị Hoàng Anh-Chủ cơ sở sản xuất mật ong Phương Di-cho biết: “Trước đây, cơ sở cũng lập một trang web riêng. Tuy nhiên, việc kinh doanh online chưa phát triển rộng, chủ yếu là những đơn hàng nhỏ lẻ. Hy vọng việc liên kết với Sàn TMĐT BADASA sẽ mang lại cho cơ sở nhiều đơn hàng lớn cũng như mở rộng lượng khách hàng trong và ngoài nước”. Ngoài ra, theo bà Hoàng Anh, để phát huy hiệu quả website TMĐT do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại hỗ trợ, Phương Di đã cùng 6 thành viên khác thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp-Thương mại và Dịch vụ Gia Lai. Các sản phẩm của Hợp tác xã sẽ được giới thiệu trên website để phát triển lĩnh vực kinh doanh online.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Thanh Vân-Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh-cho biết: Sàn TMĐT BADASA đang được nâng cấp và sẽ hoạt động trở lại vào tháng 11-2018. Bưu điện tỉnh đang tiếp nhận hồ sơ từ các đơn vị do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại giới thiệu. Khi tham gia liên kết với Sàn TMĐT BADASA của Bưu điện Việt Nam, các đơn vị này sẽ có cơ hội quảng bá sản phẩm đến 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc; không chỉ giới thiệu, bán hàng đến hơn 4 vạn cán bộ, nhân viên bưu điện truy cập hàng ngày mà có thể bán rộng rãi đến người tiêu dùng khắp cả nước. Đặc biệt, mạng lưới Bưu điện rộng khắp từ các thành thị tới nông thôn sẽ là cầu nối chuyển phát sản phẩm trực tiếp đến tay khách hàng đến tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa... “Bước đầu, Bưu điện tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở quảng bá sản phẩm miễn phí trên trang web, chỉ thu cước vận chuyển theo quy định. Tuy nhiên, về phía Bưu điện cũng có điều kiện ràng buộc là sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có trang web liên kết với Sàn TMĐT BADASA phải đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép”-bà Vân nhấn mạnh.
Dã Quỳ