TN - Đất & Người

Tạo dấu ấn khác biệt cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng, Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 sẽ đạt chất lượng, có nhiều dấu ấn khác biệt so với những lần tổ chức trước.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN
Tại cuộc họp ngày 11/1, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 yêu cầu cần chuẩn bị chu đáo để Lễ hội được tổ chức có chất lượng, có nhiều dấu ấn khác biệt.
Theo ông Phạm Ngọc Nghị, chỉ còn gần 2 tháng nữa sẽ diễn ra Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, khối lượng công việc nhiều, thời gian gấp rút. Do đó, ban tổ chức, đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo cho các chương trình, hoạt động chính của lễ hội; nghiên cứu tổ chức theo Đề án, bám sát chủ đề lễ hội, vừa thể hiện bản sắc, truyền thống văn hóa của 49 dân tộc trên địa bàn tỉnh, vừa hiện đại theo xu hướng hội nhập quốc tế.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng, Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 sẽ đạt chất lượng, có nhiều dấu ấn khác biệt so với những lần tổ chức trước.
Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 dự kiến diễn ra từ ngày 10-14/3/2023, tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh. Lễ hội dự kiến có 18 hoạt động chính, nổi bật như: Lễ khai mạc, Hội nghị kết nối giao thương quốc tế, Lễ hội đường phố, Hội thi Nhà nông đua tài, Lễ hội ánh sáng, Triển lãm trưng bày và hội thi sinh vật cảnh, Hội voi Buôn Đôn, Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk, Lễ bế mạc.
Với chủ đề "Buôn Ma Thuột-Điểm đến của cà phê thế giới," lễ hội có nhiều hoạt động tôn vinh ngành hàng càphê như: Hội chợ triển lãm chuyên ngành càphê, hội thảo phát triển càphê đặc sản Việt Nam, triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề "Văn hóa càphê Việt Nam" và "Lịch sử càphê thế giới," cuộc thi pha chế cà phê đặc sản, ngày hội càphê miễn phí, hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây càphê, cuộc thi video clip giới thiệu về càphê Buôn Ma Thuột.
Tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức các tour du lịch trải nghiệm và khám phá sản phẩm du lịch mới, biểu diễn vở ca kịch "Khát vọng Đam Săn" phục vụ du khách.
So với Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 có ba hoạt động mới: Lễ hội ánh sáng, Cuộc thi video clip giới thiệu về càphê Buôn Ma Thuột, biểu diễn vở ca kịch "Khát vọng Đam Săn."
 
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN
Ngoài ra, không sử dụng voi tham gia lễ hội đường phố và diễu hành. Thay vào đó, tỉnh mời các đoàn nghệ thuật quốc tế tham dự, diễu hành nhằm phù hợp với chủ đề Lễ hội đường phố "Buôn Ma Thuột-Nơi hội tụ ba nền văn minh cà phê thế giới."
Hưởng ứng lễ hội, đến nay, 11/15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã đăng ký tham gia, tổ chức các hoạt động như: Tham quan Khu Di tích lịch sử quốc gia Đồn điền CADA và Miếu thờ CADA; Liên hoan biểu diễn Lân-Sư-Rồng khu vực miền Trung Tây Nguyên tại huyện Krông Pắk...
Ban tổ chức lễ hội đang đẩy mạnh các khâu vận động tài trợ, truyền thông, xây dựng kế hoạch và kịch bản các hoạt động, lập danh sách khách mời và phê duyệt mẫu quà tặng/túi tặng.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 Nguyễn Tuấn Hà đề nghị, thời gian tới, các đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch nhằm triển khai lễ khai mạc, lễ bế mạc có chiều sâu; bổ sung các nội dung liên quan đến "Thành phố sáng tạo" để làm nổi bật chủ đề của lễ hội.
Ban tổ chức sẽ hoàn thành chấm thi, công bố kết quả Cuộc thi video clip giới thiệu về Càphê Buôn Ma Thuột; tổ chức họp báo lễ hội tại Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 3/2), thành phố Hà Nội (ngày 10/2), thành phố Buôn Ma Thuột (ngày 17/2); khẩn trương hoàn thành phóng sự tiềm năng phát triển càphê đặc sản của Việt Nam; đẩy mạnh truyền thông về lễ hội...
Theo Hoài Thu (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm