Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Tạo lập môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hoạt động truyền thông, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) được các ngành, địa phương trong tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm, góp phần lan tỏa tinh thần, văn hóa khởi nghiệp trong cộng đồng.

Năm 2019, chị Nguyễn Thị Hường (thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) quyết định khởi nghiệp ở lĩnh vực chế biến và xây dựng thương hiệu các sản phẩm dược liệu sấy khô từ hoa đu đủ đực, khổ qua rừng, sâm bố chính.

Chị chia sẻ: “Qua theo dõi trên các phương tiện đại chúng cũng như Cổng thông tin khởi nghiệp tỉnh, tôi rất ấn tượng với phong trào, mô hình khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh.

Tận dụng nguồn dược liệu tại địa phương để sản xuất các sản phẩm, mỗi tháng, cơ sở của tôi cung cấp ra thị trường khoảng 300 kg hoa đu đủ đực, 200 kg sâm bố chính và 100 kg khổ qua rừng sấy khô. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi trên 200 triệu đồng/năm. Năm 2023, sản phẩm dược liệu sấy khô của tôi đã được công nhận OCOP 3 sao”.

Tương tự, anh Huỳnh Văn Lộc (thôn Tiên Sơn 2, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cho hay: Trước năm 2020, anh chỉ trồng các loại rau ngắn ngày nên lợi nhuận không cao. Sau khi tiếp cận thông tin, tìm hiểu các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, anh quyết định đầu tư hơn 250 triệu đồng lắp đặt hệ thống nhà màng để trồng dưa lưới, dâu tây và cà chua cherry.

“Với 5 sào dâu tây, cà chua cherry và dưa lưới canh tác hữu cơ, mỗi năm, gia đình thu về trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Tôi đang tiếp tục mở rộng diện tích nhà màng để trồng thêm nho mẫu đơn”-anh Lộc chia sẻ.

anh-huynh-van-loc-tp-pleiku-la-mot-trong-nhung-nguoi-tre-tieu-bieu-khoi-nghiep-tu-mo-hinh-da-canh-trong-nha-mang-anh-mk.jpg
Anh Huỳnh Văn Lộc (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) là một trong những người trẻ tiêu biểu khởi nghiệp từ mô hình đa canh trong nhà màng. Ảnh: M.K

Thời gian qua, các tổ chức Đoàn-Hội trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, phổ biến kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh cùng các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST của quốc gia và của tỉnh; thành lập kênh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm của thanh niên với chuyên mục “Thanh niên khởi nghiệp”, “Sản phẩm khởi nghiệp” trên Trang thông tin điện tử Tỉnh Đoàn; đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, mạng xã hội về khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất cho thanh niên nông thôn…

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đỗ Đức Thanh cho biết: Trong giai đoạn 2021-2024, Tỉnh Đoàn đã phối hợp tổ chức 4 cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”. Qua đó đã phát hiện, hỗ trợ 112 ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Tỉnh Đoàn cũng đã tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn khởi nghiệp cho thanh niên, kỹ năng kết nối khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên thông qua chương trình “Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp”.

Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của hội viên phụ nữ, theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Rơ Chăm H’Hồng, các cấp Hội cần tập trung tuyên truyền, giới thiệu những gương khởi nghiệp tiêu biểu. Trong giai đoạn 2022-2024, Hội đã thực hiện được 12 chuyên mục và 96 tin bài tuyên truyền về gương phụ nữ điển hình khởi nghiệp và hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp... trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ các cấp tuyên truyền gương điển hình phụ nữ khởi nghiệp thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, mạng xã hội. Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 13 lớp tập huấn về kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp, kinh doanh…

hoat-dong-thong-tin-truyen-thong-ve-khoi-nghiep-dmst-duoc-cac-cap-nganh-quan-tam-anh-mk.jpg
Hoạt động thông tin, truyền thông về khởi nghiệp ĐMST được các cấp, ngành quan tâm. Ảnh: M.K

Sở Khoa học và Công nghệ cũng thường xuyên tuyên truyền, cập nhật, đăng tải thông tin, giới thiệu cơ chế, chính sách, hoạt động khởi nghiệp ĐMST, các mô hình khởi nghiệp thành công trên địa bàn tỉnh lên Cổng thông tin khởi nghiệp tỉnh để người dân theo dõi, nắm bắt kịp thời các thông tin về khởi nghiệp ĐMST.

Mở các chuyên mục truyền hình, trang tin chuyên đề khởi nghiệp trên Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và xuất bản Bản tin Khoa học-Công nghệ và ĐMST.

Ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-thông tin: “Sở duy trì hoạt động Cổng thông tin khởi nghiệp tỉnh và kết nối với Cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia để thường xuyên cung cấp thông tin về khởi nghiệp ĐMST trên phạm vi toàn quốc cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Hiện nay, Cổng thông tin khởi nghiệp Gia Lai đã có gần 350.000 lượt truy cập.

Song song với đó, Sở tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn đối thoại giữa chính quyền, các chuyên gia, nhà khoa học với doanh nghiệp, thanh niên; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học về khởi nghiệp ĐMST. Tuyên truyền, lồng ghép nội dung liên quan đến các nhiệm vụ, giải pháp, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh ”.

Có thể bạn quan tâm