Kinh tế

Tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hoạt động thương mại điện tử của cá nhân, tổ chức thông qua website, mạng xã hội đang phát triển với tốc độ rất nhanh, là nhân tố tích cực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ đa dạng. Liên quan đến việc quản lý thuế lĩnh vực thương mại điện tử, Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN ĐÌNH CHUYÊN-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Pleiku.

P.V: Hoạt động kinh doanh trực tuyến trên các trang mạng xã hội có phải chịu thuế hay không, thưa ông?

- Ông NGUYỄN ĐÌNH CHUYÊN: Theo các quy định của ngành Thuế về thương mại điện tử, quy phạm pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Quầy giao dịch Chi cục Thuế TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T
Quầy giao dịch Chi cục Thuế TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T

Tổ chức nước ngoài có hoạt động kinh doanh hoặc có thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam thì phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; đối với cá nhân thì phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam theo hướng dẫn tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18-12-2013, Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26-12-2013, Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6-8-2014 của Bộ Tài chính. Đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có tổng doanh thu từ tất cả các loại hình kinh doanh trong năm (kể cả các loại hình kinh doanh khác ngoài kinh doanh thương mại điện tử) trên 100 triệu đồng thì phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27-6-2013 của Chính phủ; Điều 2, Điều 3, Điều 6, Điều 7 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15-6-2015 của Bộ Tài chính về thuế thu nhập cá nhân.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài (nhà thầu nước ngoài) kinh doanh thương mại điện tử có thu nhập phát sinh tại Việt Nam, nếu người mua hàng hóa, nhận cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp, hợp tác xã (được thành lập theo pháp luật Việt Nam) thì người mua hàng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế nhà thầu nước ngoài để nộp thuế theo quy định. Trường hợp người mua hàng hóa, nhận cung cấp dịch vụ là tổ chức, cá nhân khác thì nhà thầu nước ngoài phải kê khai, nộp thuế đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Trong trường hợp nhà thầu nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì có thể thông qua đại lý thuế để kê khai, nộp thuế.

P.V: Để khuyến khích hoạt động kinh doanh, cũng như đảm bảo công bằng thì cơ quan Thuế có giải pháp nào, thưa ông?

- Ông NGUYỄN ĐÌNH CHUYÊN: Về phía cơ quan Thuế, chúng tôi nhận thấy hoạt động kinh thương mại điện tử ở các website, trang mạng xã hội rất đa dạng về đối tượng, thành phần. Loại hình kinh doanh này đã góp phần thúc đẩy thị trường tiêu dùng, là kênh cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa-dịch vụ khá tốt, đồng thời gia tăng thu nhập cho cá nhân, gia đình cũng như tạo việc làm hợp pháp.

Đối với ngành Thuế, việc tăng cường công tác quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử trước tiên là nhằm đảm bảo công bằng giữa các đối tượng kinh doanh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Việc tăng thu cho ngân sách là cần thiết nhưng không phải là tất cả. Mục tiêu của chúng tôi là tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực phát triển tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, cơ quan Thuế đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ người nộp thuế cũng như khuyến khích cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đăng ký mã số thuế, kê khai doanh thu, xác định doanh số khoán. Đối với cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.

P.V: Tại TP. Pleiku, hoạt động kinh doanh online đang thực sự bắt nhịp với xu thế phát triển chung. Vậy Chi cục Thuế Pleiku đã triển khai công tác kê khai, nộp thuế đối với loại hình này chưa, thưa ông?

- Ông NGUYỄN ĐÌNH CHUYÊN: Pleiku là một đô thị trẻ nên đương nhiên hoạt động kinh doanh thương mại điện tử không nằm ngoài xu thế phát triển. Về phương diện quản lý nhà nước lĩnh vực thuế, Chi cục đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, gửi văn bản thông báo về thương mại điện tử và các chính sách thuế liên quan đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động này. Đây là giải pháp cần thiết nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thuế, đồng thời gia tăng hiệu quả trong công tác quản lý thuế.

Hiện nay, ngành Thuế đang tích cực rà soát, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này, từ đó có căn cứ để xây dựng mức thuế khoán phù hợp với doanh thu. Để làm được điều này cần có sự phối hợp tích cực giữa ngành Thuế và các ngành, đơn vị khác như hệ thống ngân hàng, thông tin và truyền thông, giao nhận hàng hóa, bưu điện... Khi cơ sở dữ liệu đã hoàn tất và trích xuất về, Chi cục Thuế Pleiku sẽ tiến hành triển khai công tác liên quan đến quản lý thuế, kê khai thuế đối với cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Sơn Ca (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm