Xã hội

Từ thiện

Tạo sinh kế cho người khuyết tật vùng sâu Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đối với người khuyết tật, việc tham gia lao động, sản xuất không chỉ tạo nguồn thu nhập nuôi sống bản thân mà còn giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, tạo cơ hội để họ khẳng định mình, hòa nhập với cộng đồng. Sau 7 năm triển khai, chương trình hỗ trợ sinh kế bền vững cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với người được thụ hưởng.
Bên cạnh việc thực hiện các chương trình trợ giúp người khuyết tật như: phẫu thuật, cấp xe lăn, xe lắc…, từ năm 2012 đến nay, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã thực hiện hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật thông qua một số hoạt động gồm hỗ trợ tặng bò sinh sản, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.
 Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tặng bò sinh sản cho gia đình anh Đinh Trỡc (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro). Ảnh: H.P
Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tặng bò sinh sản cho gia đình anh Đinh Trỡc (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro). Ảnh: H.P
Vợ chồng chị Đinh Thị Xéch (làng Gliếk 1, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ) có đứa con sinh năm 2016 bị khuyết tật bẩm sinh, gia đình thuộc diện hộ nghèo; chị Xéch lại ốm đau bệnh tật quanh năm. Trước hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, năm 2017, Hội đã hỗ trợ gia đình chị 1 con bò sinh sản để làm kế sinh nhai. “Bây giờ, đàn bò của gia đình đã là 3 con. Tôi cảm ơn Nhà nước đã quan tâm giúp đỡ trong lúc khó khăn”-chị Xéch nói.
Nhận được sự hỗ trợ thiết thực của chương trình còn có gia đình anh Đinh Trỡc và gia đình chị Đinh Thị Chil (cùng ở xã Chư Krêy, huyện Kông Chro), đều bị khuyết tật nặng. Năm 2019, anh Trỡc được nhận 1 con bò giống từ chương trình “Hỗ trợ sinh kế bền vững cho người khuyết tật” để làm vốn, tạo sinh kế để có thể nuôi sống bản thân.
Theo kết quả kiểm tra, đánh giá của Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, số bò của chương trình đã và đang được chăm sóc, phát triển tốt. Bản thân những người khuyết tật cũng có thể tham gia trực tiếp vào việc chăn thả, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Tại các huyện Krông Pa, Phú Thiện, Đak Pơ, Kông Chro, Chư Pah, từ 23 con bò được cấp ban đầu đến nay đã tăng lên hơn 60 con, nhiều gia đình người khuyết tật có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, hòa nhập với cộng đồng. Không chỉ được hỗ trợ bò, các hộ còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò sinh sản. Cùng với việc chủ động kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Hội còn giới thiệu dạy nghề đan lát, tẩm quất xoa bóp cho hơn 40 người khuyết tật.
Ông Trương Đình Ba-Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh-cho biết: Các mô hình hỗ trợ người khuyết tật và hộ gia đình có người khuyết tật đã phát huy hiệu quả, không chỉ tạo cơ hội cho người khuyết tật thoát nghèo mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Nhiều hộ được hưởng lợi từ chương trình đến nay đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Thời gian tới, Hội sẽ nhân rộng các mô hình hiệu quả, tiếp tục thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế bò sinh sản tại các huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông; mô hình giới thiệu học nghề và tạo việc làm...
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm