TN - Đất & Người

Tạo sức bật cho vùng căn cứ cách mạng Chư A Thai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ cuối năm 2016, huyện Phú Thiện xây dựng và triển khai đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn là vùng căn cứ cách mạng thuộc xã Chư A Thai. Đề án tập trung chủ yếu vào phát triển kinh tế, chung tay với người dân lựa chọn một loại cây trồng bền vững có năng suất cao; tiếp đến là quy hoạch, bố trí lại dân cư gắn với phát triển kinh tế vườn, kết hợp chăn nuôi.

“Đây không phải là đề án định canh định cư nên kinh phí rất ít, chủ yếu dựa vào sức dân là chính. Điểm mấu chốt là thay đổi tập quán sản xuất, quy hoạch lại làng, sắp xếp dân cư nhưng phải giữ được ổn định trong dân, giữ bản sắc, không được làm xáo trộn đời sống văn hóa tinh thần của người dân.”- Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Đỗ Ngọc Thành, nói.

Cánh đồng mía mẫu lớn

Chư A Thai là xã đặc khó khăn của huyện Phú Thiện. Toàn xã có 11 thôn, làng thì có 8 thôn, làng dân tộc thiểu số. Trong đó, 4 làng Đồn là vùng căn cứ cách mạng trước đây với 85% là người Bahnar gồm làng Bông, Pêng, Trớ và Hek có cuộc sống rất khó khăn. Tổng dân số của 4 làng là 332 hộ thì có đến 218 hộ nghèo và cận nghèo. Vì thế, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Thiện xác định nhiệm vụ trong tâm từ 2016 đến 2020 là phải cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế xã Chư A Thai, nhất là với nhân dân 4 làng Đồn.


 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang và Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng thị sát cánh đồng mía mẫu lớn làng Bông. Ảnh: Đức Phương
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang và Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng thị sát cánh đồng mía mẫu lớn làng Bông. Ảnh: Đức Phương

Với mục đích giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, huyện Phú Thiện phối hợp cùng Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai triển khai cánh đồng mía mẫu lớn tại 4 làng Đồn. Trước tiên là vận động các hộ dân Plei Bông làm cánh đồng mía mẫu lớn, sau đó mới nhân rộng ra cho cả 4 làng. Cán bộ đến vận động từng nhà có đất nằm liền kề nhau cùng hợp thửa để thực hiện cánh đồng mía mẫu lớn tại cánh đồng Plei Bông. Đã có 78 hộ dân tình nguyện góp 87,1 ha đất để thực hiện chương trình này. Công ty tổ chức làm dịch vụ cơ giới hóa từ khâu trồng-chăm sóc-thu hoạch mía; khoan giếng tưới nước cho mía; chuyển giao cho nông dân giống mía mới năng suất cao. Cán bộ kỹ thuật của Công ty cùng tham gia giám sát, hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư 100% chi phí sản xuất như làm đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên thu mua dứt điểm sản lượng mía; bảo hiểm lợi nhuận cho nông dân trong 3 vụ đầu...

Để giải quyết nhu cầu tưới nước cho ruộng mía, UBND huyện Phú Thiện đã trích ngân sách 1 tỷ đồng kéo gần 1 cây số đường điện 3 pha vào tận ruộng để cấp điện cho các giếng khoan bơm tưới nước cho mía.

Nhìn cánh đồng mía xanh tốt lút đầu người, sắp đến kỳ thu hoạch, thân cây to như cổ tay người lớn, ông Dam Sum-Bí thư chi bộ Plei Bông, nhóm trưởng cánh đồng mía mẫu lớn phấn khởi cho hay: Lúc trước đồng bào Bahnar ở 4 làng Đồn chỉ quen làm rẫy mỳ, bắp, trồng lúa cạn dựa vào nước trời nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, vì thế cuộc sống đa số hộ dân nghèo khó. Bây giờ được đảng và nhà nước quan tâm giúp đỡ chuyển sang trồng mía nên bà con làm theo. “Nhóm chúng tôi có 16 hộ tình nguyện góp hơn 18 ha đất liền kề nhau để trồng mía. Đây là lần đầu tiên cây mía xuất hiện trên cánh đồng rộng lớn này. Cán bộ Nhà máy Đường Ayun Pa nói gần 2 tháng nữa là đến mùa thu hoạch, mía tốt thế này chắc là thu nhập sẽ khá đấy”-ông Đam Sum, cười nói.

Theo tính toán khả quan của Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Đỗ Ngọc Thành, ruộng mía có tưới nước trồng theo kỹ thuật mới của người Bahnar làng Bông xã Chư A Thai có khả năng đạt năng suất từ 80-100 tấn/ha. Tính ra lợi nhuận người dân thu được 30-35 triệu đồng/ha, gấp 20 lần trồng lúa cạn. Nếu nhân rộng mô hình ra 4 làng đồn sẽ mở ra triển vọng rất lớn giúp đồng bào Bahnar vùng căn cứ cách mạng thoát nghèo và vươn lên giàu có trong tương lai gần.

Quy hoạch làng gắn với kinh tế vườn

Xưa nay, người dân 4 làng Đồn, xã Chư A Thai ít chú ý đến quy hoạch nhà cửa, vì thế nhà cửa quay ra nhiều hướng khác nhau rất lộn xộn. Rất ít vườn được rào giậu tử tế, có cổng, ngõ đàng hoàng, mà vườn nhà nọ thông sang vườn nhà kia, đi ra lối nào cũng được. Mặt khác, người dân không có tập quán làm kinh tế vườn, không trồng rau trong vườn nhà mà gần như rau xanh họ phải đi mua về ăn.


 

Giúp dân Plei Bông di dời nhà ở, quy hoạch lại dân cư gắn với kinh tế vườn. Ảnh: Đức Phương
Giúp dân Plei Bông di dời nhà ở, quy hoạch lại dân cư gắn với kinh tế vườn. Ảnh: Đức Phương

Chính vì thế, đề án của huyện Phú Thiện có một phần việc lớn là sắp xếp lại nhà ở, gắn với phát triển kinh tế vườn. “Huyện chọn làng Bông để triển khai thí điểm việc di dời nhà cửa gắn với quy hoạch vườn, phát triển kinh tế vườn sau đó mới nhân rộng ra 3 làng còn lại. Trước tiên phải san ủi 3 con đường trục chính trong làng, sau đó đổ trụ bê tông làm hàng rào dọc theo các con đường đó. Vận động các hộ dân dịch chuyển nhà cửa quay hướng nhìn ra đường, quy hoạch lại làng đảm bảo mỗi hộ dân có diện tích 600 m2 gồm: 200 m2 làm nhà và sân ở phía trước bám theo đường, 200 m2 tiếp theo để làm vườn, 200 m2 còn lại để làm chuồng chăn nuôi gia súc”-Bí thư Huyện ủy Đỗ Ngọc Thành nói.

Từ 2 tháng nay, huyện huy động các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chính trị, xã hội vào cuộc cùng với hệ thống chính trị ở xã Chư A Thai tuyên truyền, vận động người dân làng Bông thực hiện di dời nhà ở. Có một số hộ không có đất ở hoặc diện tích đất không đủ để làm nhà, vườn theo quy hoạch 600m2, vì lý do trước đây có đất nhưng họ đã bán hết rồi. Lúc này chính quyền phải vào cuộc vận động những nhà có nhiều đất san sẻ lại đất của nhà mình cho hộ khác. “Có bà nhà có đến 2.000 m2 đất nhưng nhất quyết không nhượng bộ cho người khác với lý do mấy nhà kia lúc trước cũng có đất nhưng họ đã bán ăn hết rồi. Lúc này huyện phải kiên trì vận động và hỗ trợ cho bà một ít tiền khi đó bà mới chụi nhượng bộ, san sẻ đất của nhà mình cho nhà khác”-Bí thư huyện ủy Đỗ Ngọc Thành cho hay.

Làng Bông có 95 nóc nhà, trong đó có 21 nhà phải di dời, xoay chỉnh hướng ra đường. Đến làng Bông trong những ngày này không khí thật rộn ràng. Lực lượng bộ đội của Ban Chỉ huy Quân sự huyện cùng tổ công tác của huyện xuống phối hợp với dân làng để tiến hành di dời nhà cửa, quy hoạch lại làng.

Đại úy Siu Chík (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Thiện) đang cùng với các cán bộ, chiến sĩ và với dân làng tổ chức di dời nhà sàn của anh Nay Sik (SN 1986 ở làng Bông) từ vị trí cũ ra sát đường (cách 70 mét). “Trong các ngày thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần đơn vị cắt cử 9 cán bộ chiến sĩ xuống cùng với dân làng di dời nhà cửa, làm hàng rào. Đến nay đã di dời thành công 1 căn nhà rông đến vị trí mới giữa làng và 18 căn nhà sàn của dân ra ở sát đường; còn lại 3 nhà sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian đến”-Đại úy Siu Chík nói.
    
Chị Kpă H’Nel (SN 1995, ở làng Bông) dù nhà mình không phải di dời nhưng vẫn cùng với các chị em khác trong làng ra giúp nhà Nay Sík dời nhà.  “Cánh thanh niên, đàn ông có sức khỏe thì cùng với bộ đội, công an, cán bộ huyện khiêng nhà, thưng vách, dựng hàng rào. Còn đàn bà con gái thì đi đào hố chôn trụ, lo phục vụ nấu cơm nước”-chị Kpă H’Nel , nói.

Thực hiện hiện thành công đề án sẽ là bước đột phá, tạo cú huých giúp cho đời sống của người dân vùng căn cứ cách mạng ở 4 làng Đồn xã Chư A Thai khởi sắc.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm