Tôi đã từng về Ayun Pa (Gia Lai) công tác từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi thung lũng nổi tiếng này còn là huyện lớn Ayun Pa, ôm trọn một vùng đất kéo dài dọc sông Ba từ chân đèo Chư Sê xuống tận đèo Tô Na, phía Đông giáp hồ Ayun Hạ, vắt qua Pờ Tó rộng đến mênh mông…
Ayun Pa còn là xứ sở của những câu chuyện và con người mới cũ đan xen: Pơ tao Pui, Nhà giáo Nay Der, chiến thắng đường 7 sông Bờ năm 1975… Ngày ấy những cánh đồng lúa năng suất đạt trên 10 tấn/ha, có nơi vượt qua con số 12 tấn ở Hợp tác xã Phú Lợi, Minh Hòa nhờ hưởng lợi nguồn nước công trình đại thủy nông Ayun Hạ luôn thu hút cánh nhà báo thường xuyên lui tới tác nghiệp.
Một góc thị xã Ayun Pa. Ảnh: Đức Thụy |
Gần 20 năm qua có nhiều sự kiện diễn ra trên vùng đất lịch sử này: Huyện cũ được chia tách thành huyện Phú Thiện, huyện Ia Pa và Ayun Pa được Chính phủ quyết định nâng cấp thành thị xã. Sau 4 năm trở thành đô thị loại IV, bộ mặt của thị xã đã có một số nét thay đổi xuất phát từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Nếu như trước kia nông nghiệp là chính thì hiện nay thị xã tập trung cho công nghiệp chế biến và dịch vụ với các thế mạnh hiện có và sẽ tiếp tục đầu tư như công nghiệp mía đường, điện, cồn, gạch tuy-nen, du lịch… Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm (2005-2010) đạt 13,2%, năm 2010 đạt 15,2%. Ayun Pa đang tích cực triển khai công tác xây dựng, quy hoạch đô thị đồng thời với xây dựng và đưa vào hoạt động các công trình, dự án của địa phương như nhà máy nước, cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp Ia Sao… với quyết tâm đưa thị xã Ayun Pa nhanh chóng phát triển bắt kịp tốc độ phát triển của các đô thị trong khu vực, khẳng định vị thế của mình.
Niềm tin ấy hẳn là có cơ sở. Ayun Pa vốn thừa hưởng những thuận lợi cơ bản để xây dựng thị xã phát triển. Như trên đã nêu, đó là mặt bằng dân trí cao, người dân vốn có tập quán thâm canh; các cơ sở sản xuất công nghiệp, chế biến hoạt động hiệu quả; hệ thống giao thông trên địa bàn khá thuận lợi với tuyến quốc lộ 25 từ TP. Pleiku (Gia Lai) xuống TP. Tuy Hòa (Phú Yên) chạy ngang qua thị xã, tỉnh lộ 662 nối thị xã với các huyện Ia Pa, Kông Chro và tỉnh lộ 687B chạy từ Ayun Pa sang huyện Ea Hleo (Đak Lak). Thị xã cũng chú trọng phát triển nền nông nghiệp bền vững với tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên 7.100 ha, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn hơn 88.400 con.
Nhìn một số mặt trên tổng quan kinh tế của địa phương, chúng ta nhận thấy Ayun Pa có bước phát triển khá song nếu so sánh với các địa phương khác trong khu vực tam giác của tỉnh Gia Lai (trừ TP. Pleiku) là huyện Chư Sê và thị xã An Khê thì Ayun Pa vẫn còn nhiều điều phải phấn đấu (tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2005-2010) của Chư Sê là 15,1%, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2010 đạt 160,2 tỷ đồng, thu ngân sách 9 tháng năm 2011 đạt 129,9 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của An Khê trong 5 năm (2005-2010) là 14,8%, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2010 đạt 92,9 tỷ đồng, phấn đấu năm 2011 thu 105 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2005-1010) của Ayun Pa đạt 13,2%, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2010 là 31,5 tỷ đồng, kế hoạch thu trong năm nay cũng chỉ xấp xỉ năm trước).
Tất nhiên còn phải tính đến những chỉ số về dân sinh xã hội mới có thể đánh giá kết quả song nhìn vào các con số vừa nêu trên, xem ra trước mắt chính quyền và nhân dân Ayun Pa còn nhiều công việc phải quyết tâm triển khai. Cùng với tiềm năng về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thung lũng Cheo Reo còn nổi tiếng nhiều danh thắng: Thung lũng Hồng, Bến Mộng, Suối Đá, đèo Tô Na, sông Ba… Nhưng các địa danh đó như cô gái đẹp Jrai đang ngủ phải được đánh thức thông qua việc đầu tư khai thác du lịch ở địa phương, gắn du lịch với nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Tiềm lực đã có song phát huy cho được các thế mạnh ấy không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Ayun Pa mà còn phải được sự quan tâm hỗ trợ nhiều mặt của tỉnh và các ngành liên quan, đặc biệt là hỗ trợ về kinh phí xây dựng và kêu gọi hợp tác đầu tư.
Dưới chế độ cũ, Ayun Pa đã là tỉnh Phú Bổn, thị xã là tỉnh lỵ Hậu Bổn. Sau gần 40 năm tính từ ngày giải phóng, thống nhất đất nước, khách quan nhìn nhận đến nay mặc dù có những chuyển đổi đáng kể song đô thị bên sông Ba này vẫn mang một dáng dấp trầm mặc, nhiều lĩnh vực còn bị tụt hậu so với một số đô thị khác ở Tây Nguyên. Do vậy cần phải nhanh chóng có những tác động trực tiếp, bền vững, mạnh mẽ thì mới có thể đưa Ayun Pa trở thành trung tâm vùng kinh tế động lực phía Đông Nam của tỉnh.
Thanh Phong