Kinh tế

Tạo thương hiệu cho rau Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng năm, tỉnh Gia Lai có diện tích trồng rau khoảng 10.800 ha, năng suất bình quân đạt 210 tạ/ha. Nguồn rau này không chỉ cung cấp cho tiêu dùng trong tỉnh mà còn cung cấp ra các tỉnh lân cận như: Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Tuy nhiên, chất lượng rau chưa được kiểm soát tốt.

Do đó, giá bán còn thấp, chưa tạo được thương hiệu mạnh, thu nhập của người trồng rau chưa được đảm bảo, mức độ an toàn cho người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đúng mức. Kỹ thuật canh tác rau của nông dân, chủ yếu là áp dụng các biện pháp canh tác truyền thống, các biện pháp kỹ thuật đều do kinh nghiệm mà có, chưa thật quan tâm đến chất lượng của sản phẩm rau. Có thể nói rằng, sản xuất rau của nông dân ở Gia Lai còn mang tính tự phát, chưa được chuẩn hóa theo các quy định, quy chuẩn.

 

Nông dân chăm sóc vườn rau VietGap. Ảnh: L.G
Nông dân chăm sóc vườn rau VietGap. Ảnh: L.G

Với thị trường tiêu thụ tiềm năng rất lớn, thêm vào đó là lợi thế về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, một khi sản xuất rau ở Gia Lai được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP thì sản phẩm rau sẽ có được thị trường ổn định, giá trị thương hiệu rau sẽ được nâng cao, giá bán sẽ ngày càng được cải thiện. Từ đó, người trồng rau sẽ ngày càng nâng cao thu nhập, người tiêu dùng sẽ ngày càng an tâm khi sử dụng…

Căn cứ vào GlobalGap, nước ta đã có VietGAP trên cây ăn trái, VietGAP trên rau, VietGAP trên chè. VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế nhằm bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm do Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam ban hành.

Hiện nay, nhiều địa phương đã và đang thực hiện áp dụng VietGAP và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tại Gia Lai, Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đã triển khai chủ đề: “Xây dựng và chuyển giao mô hình VietGAP cho một số loại rau tại tỉnh Gia Lai”. Chuyển giao mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP nhằm cung cấp sản phẩm rau, quả sạch, an toàn trên thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Mục tiêu của chủ đề trên nhằm đánh giá đúng hiện trạng và kết hợp tài liệu hiện có, đồng thời tổng kết những kinh nghiệm tốt từ người dân về sản xuất rau làm cơ sở xây dựng quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP. Mục tiêu chính của mô hình này là: năng suất tăng 10% và giá bán tăng 10%; nâng cao hiệu quả kinh tế lên 15-20% so với thực hành cũ; 80% sản phẩm mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP; từng bước hình thành mối liên kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác; nâng cao nhận thức và kỹ năng về sản xuất một số loại rau theo hướng “Sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP” nhằm thay đổi thói quen sản xuất cũ của nông dân trong sản xuất rau, giúp cho người dân có khả năng áp dụng và phát triển công nghệ bền vững thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, tham quan mô hình…

Mô hình được thực hiện tại huyện Đak Pơ và TP. Pleiku, với quy mô xây dựng khoảng 8 mô hình, mỗi mô hình khoảng 0,6 ha với 10-12 hộ dân tham gia (có hộ tham gia mô hình trên 2 cây rau), tổng diện tích mô hình là 5 ha. Thời gian dự kiến khoảng 10 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.

Báo cáo sơ bộ kết quả tại Hội thảo đầu bờ mới đây cho thấy: Mô hình tổng diện tích thực hiện là 5 ha với 24  hộ tham gia tại  huyện Đak Pơ và TP. Pleiku. Chọn lựa hộ có diện tích và trình độ tiếp thu được phương pháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các tư vấn viên của đơn vị tư vấn trực tiếp hướng dẫn tập huấn ngay từ khi chọn được hộ làm mô hình. Đơn vị tư vấn cùng phối hợp với UBND các xã làm mô hình cử cán bộ Hội Nông dân làm tổ trưởng có nhiệm vụ giám sát, phối hợp giữa đơn vị tư vấn và các hộ làm mô hình trong công tác cấp phát vật tư, sử dụng vật tư đúng mục đích.

Để triển khai tốt chủ đề trên, Ban Quản lý dự án đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT 2 địa phương nói trên thực hiện dự án lựa chọn các xã trên địa bàn để tập huấn chuyển giao mô hình xây dựng sản xuất rau VietGAP. Tập huấn kỹ thuật FFS cho 240 nông dân tại 4 xã, phường với số lượng 3 ngày. Các buổi tập huấn hướng dẫn nông dân ra đồng tham quan, tìm hiểu, đánh giá và thảo luận theo từng giai đoạn phát triển của cây rau; tìm hiểu sâu bệnh hại trên đồng ruộng; kỹ năng xử lý dịch hại theo biện pháp quản lý dịch hại IPM.

Qua tập huấn, nông dân nâng cao được các kiến thức về kỹ thuật canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ dịch hại và thời gian cách ly của thuốc cũng như phân bón trước khi thu hoạch  mà đa số nông dân đều cho rằng chưa nắm bắt được, qua tập huấn lần này đã hiểu ra những biện pháp chăm sóc rau trên đồng ruộng.

Hy vọng thương hiệu rau Gia Lai sẽ ngày càng được củng cố trong khu vực, mang đến sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng, đem lại thu nhập ổn định cho người trồng rau...

Lam Giang

Có thể bạn quan tâm