Thời sự - Bình luận

Tạo xung lực mới cho phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Việt Nam đã và đang tiến hành 3 chương trình tổng thể cải cách hành chính, theo 3 giai đoạn 2001-2010, 2011-2020 và 2021-2030. Nhưng, như nhiều kết luận được đưa ra sau các hội nghị tổng kết từng giai đoạn thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo; hiệu lực, hiệu quả khi thực thi chính sách chưa cao. Một trong những nguyên nhân khiến kết quả đạt được chưa như kỳ vọng là do một số biện pháp thực hiện trước đây chưa phù hợp; có lúc có nơi thực hiện cải cách vẫn vụn vặt, chắp vá.

Bộ máy tổ chức hành chính của Việt Nam rất khác so với nhiều nước, nên nếu áp dụng cứng nhắc mô hình tổ chức của các nước sẽ không phù hợp. Hệ thống hành chính được tổ chức, phân cấp theo địa bàn lãnh thổ từ Trung ương đến địa phương, cũng có nghĩa là trong cấu trúc ấy có sự “chồng lấn” nhau khi có những cơ quan có cùng chức năng. Điều đó khiến cho việc thực hiện nhiệm vụ có thể bị chồng lấn, thậm chí triệt tiêu hiệu quả lẫn nhau.

Ngân sách nhà nước đang chi thường xuyên quá nhiều cho bộ máy hành chính, lên đến 70% tổng chi ngân sách. Nên, việc cải cách bộ máy hành chính hiện nay là nhiệm vụ rất cấp bách, mang tính toàn diện, xuyên suốt và triệt để, ở cả hệ thống Đảng, hệ thống Nhà nước, hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Cải cách cũng cần thực hiện ở cả phần “mềm” và phần “cứng”. Phần “mềm” ở đây là tư duy cải cách, là quyết tâm chính trị và khoa học lãnh đạo. Phần “cứng” là tinh gọn lại bộ máy, để vừa tránh cồng kềnh, chồng chéo, vừa để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Cải cách phải được tiến hành với cách làm khoa học là “cải cách từ trên xuống dưới”.

Cải cách hành chính, đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị hướng đến mục tiêu “nhà nước nhỏ, xã hội lớn” là xu thế chung ở các quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì thể chế phải cấu trúc lại các mối quan hệ trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị cho phù hợp với sự vận động. Xã hội vận hành theo Hiến pháp và pháp luật, vì vậy phải phân định rõ Nhà nước làm gì và người dân làm gì. Đảng lãnh đạo toàn diện, nên phải minh định rõ: Đảng lãnh đạo Nhà nước chứ không làm thay Nhà nước, Quốc hội không làm việc của Chính phủ, Chính phủ không làm các công việc thuộc về đoàn thể. Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói cán bộ trong hệ thống chính trị cần phải “đúng vai, thuộc bài”, là như thế.

Cuối cùng, cải cách bộ máy hành chính hiện nay gắn với xu thế thời đại, đó là cách mạng công nghiệp 4.0, là nền kinh tế số, số hóa bộ máy để nâng cao hiệu suất, tiết giảm nhân lực và chi phí. Vì vậy, lần này Đảng tiếp tục đặt ra vấn đề cải cách thể chế, cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy chính quyền một cách thực chất hơn, quyết liệt hơn. Làm được điều này sẽ tạo ra xung lực mới cho phát triển.

Theo GS-TSKH PHAN XUÂN SƠN - Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm