Chính trị

Tin tức

Tập trung chăm lo Tết cho đối tượng yếu thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 17-1, tại TP. Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị. Dự họp tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có đồng chí Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, đoàn thể liên quan và lãnh đạo 17 huyện, thị xã, thành phố.
 Tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến
Tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến
Năm 2017, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cả nước đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Công tác lao động, việc làm được quan tâm thực hiện. Trong năm đã giải quyết việc làm mới cho trên 1,6 triệu người, đạt 102% kế hoạch so với cùng kỳ. Tập trung thực hiện tốt chính sách người có công, hiện đang trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho hơn 1,4 triệu người với kinh phí trên 29.000 tỷ đồng/năm. Công tác giảm nghèo, trợ giúp xã hội và các lĩnh vực xã hội khác cũng đạt được kết quả cao. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 giảm 1,35%, cả nước còn tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%.
Ở tỉnh Gia Lai, năm 2017, số lao động được tạo việc làm mới là 25.060 người, tăng 1,1% so với năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2017 giảm còn 13,85% (giảm 2,7% so với cuối năm 2016). Lĩnh vực người có công đã đề nghị giải quyết được 1.402 hồ sơ người có công các loại. Tổ chức thành công và có hiệu quả kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7).  
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao thành quả năm 2017 mà Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã đạt được, trong đó, nổi bật là tổ chức trọng thể và làm lay động được lòng người Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7); công tác giảm nghèo có sự chuyển biến tích cực: từ 64 huyện nghèo thực hiện Nghị quyết 30a hiện cả nước còn 56 huyện nghèo. 
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế, cần khắc phục và tập trung 7 nhóm giải pháp triển khai ngay từ đầu năm 2018. Đó là tập trung giải quyết hồ sơ còn tồn đọng người có công một cách hợp lí, phù hợp với điều kiện của đất nước; Khẩn trương xây dựng đề án cải cách tiền lương, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và đầu ra cho người lao động, nhất là đào tạo nghề theo Quyết định 1956. Xuất khẩu lao động cần đảm bảo uy tín, trình độ, tư cách của người lao động làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; chăm sóc người có công, thực hiện nghiêm túc chương trình giảm nghèo không ai bị bỏ lại phía sau; quan tâm công tác trợ giúp xã hội; công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hạn chế thấp nhất tình trạng bạo lực, bạo hành trẻ em và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về bình đẳng giới. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nêu gương điển hình tiên tiến làm tốt các lĩnh vực của Ngành. Cùng với đó, tập trung chăm lo tết Nguyên đán Mậu Tuất cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều có tết. 
Đặc biệt, 2 đề án Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mà Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới là tập trung triển khai nâng cao kĩ năng công nghệ thông tin, đổi mới công tác dạy nghề và thay đổi tư duy hoạt động nghề theo cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Chuyên đề 2 là thực hiện lao động Công đoàn, vấn đề này đang được các nước châu Âu quan tâm, do vậy, các doanh nghiệp cả nước cần đẩy mạnh xây dựng nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa cho người lao động, nhằm đáp ứng phù hợp với tình hình mới. 
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm