Kinh tế

Tập trung chống hạn cho vụ Đông Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước dự báo hiện tượng El Nino kéo dài, hạn hán trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh ta nói riêng sẽ xảy ra trên diện rộng, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị quản lý thủy lợi, các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện đồng bộ các giải pháp chống hạn.

Hạn hán xuất hiện ở một số huyện

 

Dự báo, trong vụ Đông Xuân sắp đến hạn hán sẽ diễn ra trên diện rộng, thiếu hụt nước nghiêm trọng. Ảnh: M.N
Dự báo, trong vụ Đông Xuân sắp đến hạn hán sẽ diễn ra trên diện rộng, thiếu hụt nước nghiêm trọng. Ảnh: M.N

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, do thời tiết vụ mùa 2015 diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài nên nguồn nước ở một số ao hồ trên địa bàn các huyện: Kbang, Kông Chro, Krông Pa, Ia Pa... bị cạn kiệt, tình trạng thiếu nước tưới, hạn hán đã xảy ra.

Theo đó, tổng diện tích cây trồng bị hạn, thiệt hại trong vụ mùa gần 2.884,9 ha. Trong đó, diện tích mất trắng là 955,7 ha, giảm năng suất 30-70% là 1.929 ha. Cụ thể, diện tích lúa nước thiệt hại hơn 13 ha (huyện Kbang); diện tích mì thiệt hại trên 776 ha, rau màu bị mất trắng hơn 406 ha…

Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Mặc dù các địa phương, đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch, rà soát hệ thống kênh mương, xây dựng phương án cấp nước cho từng công trình và có kế hoạch điều tiết hợp lý nguồn nước phù hợp; đẩy mạnh khuyến cáo, hướng dẫn người dân thâm canh cây trồng để tăng khả năng chống chịu hạn của cây trồng, sử dụng nước tưới tiết kiệm. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết phức tạp, nắng hạn kéo dài, mùa mưa đến muộn, lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm nên hạn hán đã xảy ra và vụ mùa phải lùi thời vụ gieo trồng muộn hơn so với các năm trước.

Ngoài ra, một số địa phương xây dựng lịch thời vụ chưa xác với thực tế địa phương nên đã để xảy ra tình trạng hạn hán cục bộ làm thiệt hại nhiều diện tích cây trồng.

Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho biết: Thiệt hại do hạn hán vụ Đông Xuân 2014-2015 gây ra chủ yếu trên cây lúa nước. Tổng diện tích lúa nước bị hạn hán trên địa bàn huyện là 271,88 ha (trong tổng số 1.655 ha).
Trong đó, hơn 97,26 ha bị ảnh hưởng năng suất 30-70%, có 174,62 ha bị mất trắng và 1.412 hộ bị thiệt hại nặng nề. Năng suất lúa trung bình của huyện là 49,8 tạ/ha, thấp hơn vụ Đông Xuân năm 2014 là 5,5 tạ/ha. Sản lượng lúa vụ Đông Xuân đạt 7.373,8 tấn, thấp hơn vụ Đông Xuân 2013-2014 là 1.643,9 tấn.

Dự báo hạn xảy ra trên diện rộng

Ông Phạm Vũ Tuấn-Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên-nhận định: Do hiện tượng El Nino kéo dài, mùa khô năm 2015-2016 sẽ xảy ra tình trạng hạn hán khốc liệt nhất trong vòng 18 năm trở lại đây. Dự báo, trong vụ Đông Xuân sắp đến hạn hán sẽ diễn ra trên diện rộng, thiếu hụt nước nghiêm trọng như mùa khô năm 1997-1998, sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp. Thực tế, mùa mưa năm nay kết thúc sớm và lượng mưa ít hơn từ 20% đến 30% so với mọi năm trong khi nền nhiệt trung bình tăng cao. Cụ thể, tổng lưu lượng mưa tại tỉnh ta từ 640 mm đến 1.600 mm. Lượng mưa giảm 200-500 mm so với cùng kỳ năm 2014.

 

Người dân nạo vét giếng chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng. Ảnh: M.N
Người dân nạo vét giếng chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng. Ảnh: M.N

Ông Tuấn khuyến cáo: Ngay từ đầu mùa khô, các đơn vị liên quan và người dân nên có kế hoạch khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước, tránh gây thất thoát lãng phí. Đối với những nơi không có công trình thủy lợi thì chuyển đổi cây trồng chống hạn, nếu không sẽ bị mất trắng.

Nói về mùa khô năm nay, ông Hoàng Bình Yên-Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình thủy lợi, Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai lo lắng: Trước dự báo tình hình hạn hán sẽ rất nặng nề, ngay từ đầu mùa mưa đơn vị đã tranh thủ tích nước nhưng vẫn không đảm bảo yêu cầu đề ra, chỉ đạt chừng 90% dung tích nước ở các hồ đập.

Hiện Công ty đang quản lý 12 hồ chứa nước có dung tích hơn 367 triệu m3và 20 đập dâng có khả năng tưới tiêu cho hơn 31 ngàn ha cây trồng nhưng trong số này chỉ có 6 hồ tích đảm bảo mực nước. Còn lại các hồ đập lớn như Ia Mláh (huyện Krông Pa) hụt gần 5 mét nước, hồ Hà Ra Nam (Mang Yang) thiếu 3,38 mét nước…

“Để hạn chế thiệt hại, Công ty đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tuyên truyền cho người dân gieo sạ sớm để chống hạn vào cuối vụ. Riêng cây công nghiệp thì khuyến cáo người dân tưới nước tiết kiệm, tưới dí hoặc phun sương thay cho tưới nước tự chảy.Với đà này, khả năng đến trung tuần tháng 3-2016 thì các hồ đập sẽ rơi vào tình trạng khô kiệt”- ông Yên nói.

Trước dự báo tình hình khô hạn, thiếu nước có khả năng xảy ra sớm hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và trữ lượng nước tùy vào khả năng tưới của các công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn, lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng vụ Đông Xuân 2015-2016 để xác định, bố trí từng loại cây trồng hợp lý.

Đối với các vùng không có khả năng tưới tiêu, không chủ động nguồn nước tưới, xa các công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người dân dừng sản xuất, đồng thời kiên quyết không để người dân thực hiện việc gieo sạ để tránh thiệt hại do hạn hán gây ra.

Trong khi đó tại các địa phương trong tỉnh, ngoài việc xây dựng phương án phòng-chống hạn vụ Đông Xuân 2015-2016, chỉ đạo triển khai sản xuất vụ Đông Xuân sớm hơn mọi năm nhằm chủ động trong công tác ứng phó với tình trạng hạn hán, các địa phương này còn huy động mọi phương tiện, máy móc, thiết bị để phục vụ công tác chống hạn.

Tổ chức nạo vét kênh mương, kiểm tra, sửa chữa các công trình thủy lợi và quản lý chặt chẽ các nguồn nước, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với từng loại cây trồng.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm