Thời sự - Sự kiện

Tập trung phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 29-2, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Chính phủ tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Trần Lưu Quang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên; Nguyễn Chí Dũng-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND 5 tỉnh Tây Nguyên (Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đak Nông) và 9 tỉnh phụ cận (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước).

Đại tướng Tô Lâm-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Đại tướng Tô Lâm-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Trong những năm qua, quán triệt thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, với sự vào cuộc của các bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên cùng sự tham gia tích cực của người dân, kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên có bước phát triển tích cực; giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy; thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố; an ninh trật tự được bảo đảm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đ.T

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đ.T

Tuy nhiên, phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế của vùng. Để phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, củng cố vững chắc an ninh, quốc phòng theo đúng mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên.

Tiếp đó, Thượng tướng Lương Tam Quang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã quán triệt những nội dung Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên của Chính phủ, trọng tâm là mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, các đại biểu tập trung thảo luận, bàn giải pháp để hiện thực hóa, sớm đưa Nghị quyết số 23-NQ/TW và Đề án vào cuộc sống, góp phần phát triển vùng Tây Nguyên nhanh, bền vững, giữ vững an ninh, quốc phòng.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đ.T

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đ.T

Phát biểu kết luận hội nghị, Đại tướng Tô Lâm khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm rất đặc biệt về mọi mặt và đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để phát triển vùng Tây Nguyên. Trọng tâm gần đây là Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên của Chính phủ.

Đại tướng Tô Lâm đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương thống nhất, đồng lòng, hành động quyết liệt, thực hiện cho được các quan điểm chỉ đạo; tập trung mọi biện pháp, nguồn lực, nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp mới, đột phá để thực hiện các mục tiêu cụ thể trong Đề án đã đề ra với tinh thần “5 quyết liệt”.

Cụ thể: quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; quyết liệt hoàn thiện, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Tây Nguyên; quyết liệt thúc đẩy điểm đột phá, “đánh thức”, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, con người vùng đất Tây Nguyên, khí chất oai hùng, kiên trung, bất khuất như tinh thần Đam San huyền thoại thành nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, “không để ai bị bỏ lại phía sau”; quyết liệt giải quyết từ sớm, từ xa, từ cơ sở các yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ; quyết liệt củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là: “Ai không dám làm, ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm”.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đ.T

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đ.T

“Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm trong nắm bắt, phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giữ vững an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ. Đề nghị cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên các tỉnh Tây Nguyên huy động sức mạnh tổng lực thực hiện Đề án, tận dụng các lợi thế để biến thành cơ hội phát triển, tự lực, tự cường vươn lên.

Đồng thời, đề nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh phụ cận phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Tây Nguyên trong triển khai Đề án của Chính phủ, tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch, hệ thống hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, sinh thái sẵn có, độc đáo của Tây Nguyên”-Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Từ lịch sử lâu đời, truyền thống anh hùng, bất khuất trong kháng chiến và mạnh mẽ, sáng tạo vươn lên trong đổi mới, tinh thần đoàn kết, một lòng son sắt theo Đảng, theo Bác Hồ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Đại tướng Tô Lâm tin tưởng sâu sắc rằng: Với khí thế mới, động lực mới của mùa xuân mới, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, sớm đưa Tây Nguyên phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững.

Có thể bạn quan tâm