Chính trị

Tập trung thanh tra những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 4-4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị giao ban công tác phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2024.

Các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thành viên Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh; lãnh đạo HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu UBND tỉnh, 17 huyện, thị xã, thành phố và 220 xã, phường, thị trấn với hơn 3.500 đại biểu tham dự.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.H

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.H

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh-nêu rõ: Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 1 phiên họp, 3 cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo và ban hành 14 văn bản triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo. Tổ chức hội nghị quán triệt, hướng dẫn thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27-10-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm tra các tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi tham nhũng, tiêu cực, kể cả cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy các cấp quản lý. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giám định và định giá tài sản liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Chánh Thanh tra tỉnh Trần Hữu Đức phát biểu thảo luận. Ảnh: V.H

Chánh Thanh tra tỉnh Trần Hữu Đức phát biểu thảo luận. Ảnh: V.H

Phát biểu tại hội nghị, Chánh Thanh tra tỉnh Trần Hữu Đức cho biết: Từ đầu năm đến nay, ngành Thanh tra triển khai 59 cuộc thanh tra về chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí và công tác đầu tư xây dựng; việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, thực hiện quy hoạch và việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN tại 229 đơn vị. Đến nay, ngành Thanh tra đã kết luận 34 cuộc tại 144 đơn vị. “Thanh tra tỉnh đang triển khai 1 cuộc thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại UBND 17 huyện, thị xã, thành phố và 5 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh theo kế hoạch thanh tra chuyên đề của Thanh tra Chính phủ. Qua thanh tra phát hiện sai phạm về tài chính tại 19 đơn vị với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng, kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 2,1 tỷ đồng, đã thu hồi nộp vào ngân sách hơn 1,8 đồng; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với 6 tập thể và 61 cá nhân”-Chánh Thanh tra tỉnh thông tin.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng, kinh tế cũng được các đơn vị triển khai có hiệu quả. Cơ quan Cảnh sát điều tra 2 cấp đã thụ lý, điều tra 24 vụ/57 bị can liên quan đến kinh tế, tham nhũng và đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 6 vụ/15 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp thụ lý 8 vụ/24 bị can, đã truy tố 7 vụ/17 bị can. Tòa án nhân dân 2 cấp thụ lý 11 vụ/28 bị can, đã xét xử 2 vụ/3 bị cáo. So với cùng kỳ năm 2023, kết quả thụ lý, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực tăng về số vụ và số bị can. Tổng số tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phải thu hồi hơn 25 tỷ đồng; đã thu hồi hơn 1,92 tỷ đồng, đạt 7,71%.

Đại tá Dương Văn Long-Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu thảo luận. Ảnh: V.H

Đại tá Dương Văn Long-Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu thảo luận. Ảnh: V.H

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Gợi ý các đại biểu thảo luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn nêu rõ: Công tác PCTN, tiêu cực đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Mặt trận, các đoàn thể triển khai, bước đầu mang lại những hiệu quả, được các tầng lớp nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, qua công tác thanh tra vẫn phát hiện sai phạm về tài chính tại 19 đơn vị; công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn là điểm nóng; tình trạng người dân huyện Chư Sê khiếu kiện đông người về diện tích nhận khoán với Công ty Cà phê; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đôi lúc, đôi nơi chưa phát huy hết hiệu quả; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế vẫn còn thấp. Vì vậy, các đại biểu cần thảo luận, làm rõ các tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới.

Về vấn đề quản lý, bảo vệ rừng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kông Chro Nguyễn Thanh Minh cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện có 4 vụ án, vụ việc liên quan đến kinh tế, tham nhũng, trong đó có 2 vụ liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Về vụ phá rừng tại xã Sró, thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Hde, đến nay, cơ quan chức năng đã xác định được 48 người có liên quan. Điều đặc biệt là có 40 người có yếu tố cấu thành tội phạm, trong đó có 4 đảng viên. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra làm rõ. Huyện cũng sẽ có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh về quan điểm xử lý vụ việc này. “Chúng tôi xác định không có vùng cấm, xử lý kiên quyết người vi phạm và những cán bộ, đảng viên buông lỏng quản lý nếu có”-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kông Chro khẳng định.

Về vấn đề khiếu kiện đông người tại huyện Chư Sê, Bí thư Huyện ủy Lý Anh Sang cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn huyện xảy ra 3 vụ việc phức tạp liên quan đến công ty cà phê, đó là người dân ở xã Dun và Ia Pal chặt vườn chuối, tự ý cày xới đất, không cho công ty cày đất. Đây là mâu thuẫn quyền lợi giữa người dân với Công ty TNHH Cà phê Gia Lai trước đây, nay là Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai. Chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhưng người dân vẫn không nghe. Đây là mâu thuẫn cần được các cơ quan tỉnh tham mưu để giải quyết dứt điểm, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài. Chúng ta phải tập trung giải quyết dứt điểm, thậm chí là điều tra, xử lý nếu phát hiện sai phạm khi tiến hành cổ phần hóa công ty cũng như những người dân không tuân thủ pháp luật.

Về kết quả thu hồi số tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chỉ đạt 7,71%, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nguyễn Đình Quang cho biết: Để thu hồi nhanh tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đòi hỏi phải có kết luận, truy tố và xét xử nhanh để tiến hành phong tỏa tài sản đảm bảo công tác thi hành án. Một số vụ án, vụ việc điều tra, truy tố, xét xử chậm là do công tác giám định. Cá biệt, có đơn vị từ chối giám định, nhiều vụ việc đòi hỏi thời gian giám định kéo dài, mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến công tác truy tố, xét xử, đối tượng có thể lợi dụng để tẩu tán tài sản.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho rằng: Thời gian qua, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh chấp hành nghiêm Quy chế làm việc, hoạt động nghiêm túc, nền nếp, “đúng vai, thuộc bài”. Tuy nhiên, một số cơ quan, địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục, cần thẳng thắn nhìn nhận và nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện nghiêm 3 quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và PCTN, tiêu cực trong hoạt động công quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Cấp ủy, cơ quan kiểm tra, thanh tra, cơ quan có chức năng PCTN triển khai hiệu quả kế hoạch, chương trình kiểm tra, thanh tra năm 2024, tập trung vào những lĩnh vực, dự án dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là các vụ việc, vụ án Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ giám định, định giá tài sản theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

“Chúng ta cần phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ, các tổ chức thành viên, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh PCTN, tiêu cực. Kịp thời biểu dương, khen thưởng cá nhân, đơn vị có thành tích tốt trong thực hiện nhiệm vụ công tác PCTN, tiêu cực. Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xác định rõ PCTN, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ để làm trong sạch cán bộ, đảng viên, tạo lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm