Kinh tế

Tài chính

Tập trung thu hồi nợ thuế trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nợ thuế đang có xu hướng gia tăng do các nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Vì vậy, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2019, thời gian qua, ngành Thuế tỉnh Gia Lai đã quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý nợ đọng thuế. 
Tại tỉnh Gia Lai, theo thống kê trong quý I-2019, tổng nợ thuế toàn ngành là 1.055 tỷ đồng: nợ khó thu 629,7 tỷ đồng, nợ chờ xử lý 160,1 tỷ đồng, nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là 265,2 tỷ đồng. Đáng lưu ý, cả 3 nhóm nợ này đều có xu hướng tăng so với cuối năm 2018; một số đơn vị, tổ chức có số nợ thuế lớn, từ 10 tỷ đồng đến hơn 100 tỷ đồng.
Nợ thuế tăng không chỉ tạo áp lực cho doanh nghiệp mà còn cho cả cơ quan Thuế. Từ thực tiễn công tác quản lý thuế, thu hồi nợ thuế cho thấy, nguyên nhân nợ thuế tăng phần lớn do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ cá thể gặp khó khăn. Mặt khác, khách hàng nợ doanh nghiệp, không thanh toán tiền mua hàng kịp thời hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thua lỗ kéo dài dẫn đến không có khả năng nộp thuế. Tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh theo đó cũng ngày càng tăng.
 Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế huyện Krông Pa. Ảnh: ĐỨC THỤY
Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế huyện Krông Pa. Ảnh: Đ.T
Đối với số nợ khó thu là 629,7 tỷ đồng (chiếm tới 60% tổng nợ và có xu hướng tăng), phần lớn là của những đơn vị kinh doanh nông sản những năm trước đây. Theo quy định hiện hành, tất cả các khoản nợ đều bị tính tiền chậm nộp nên số nợ khó thu (thực tế là không thu được) vẫn phải tính 0,03% trên số tiền mỗi ngày chậm nộp, tương ứng 0,9%/tháng và 10,8%/năm. Điều này dẫn đến tiền chậm nộp tăng lên, tạo áp lực về tổng số nợ cho cơ quan Thuế. Bên cạnh đó, công tác cưỡng chế nợ thuế gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết doanh nghiệp nợ thuế trên 90 ngày đều không có khả năng thanh toán, tài khoản ngân hàng không có số dư, tài sản đã thế chấp ngân hàng vay vốn kinh doanh. Quá trình thu thập, xác minh mất nhiều thời gian cũng khiến công tác cưỡng chế nợ không phát huy hiệu quả. Đối với các trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng hóa đơn không còn giá trị sử dụng thì gần như đồng nghĩa với việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp.
Trên tinh thần quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, ngay từ đầu năm 2019, Cục Thuế tỉnh đã yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành thường xuyên kiểm soát diễn biến nợ thuế, tập trung thu hồi nợ cũ, hạn chế phát sinh nợ mới. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2019 cho các phòng trực thuộc và các Chi cục Thuế; áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định. Nhờ đó, chỉ trong quý I-2019, toàn tỉnh đã thu hồi nợ của năm 2018 chuyển sang là 110 tỷ đồng (chiếm 56% trên tổng số nợ có khả năng thu tại thời điểm 31-12-2018), góp phần tích cực vào nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước những tháng đầu năm. 
Trao đổi với P.V, ông Ksor Kut-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-cho biết: Cục Thuế tỉnh yêu cầu lãnh đạo các Chi cục Thuế, các phòng nghiệp vụ tiếp tục triển khai đồng bộ một số giải pháp như: thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình quản lý thu nợ và các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi kịp thời nợ thuế vào ngân sách nhà nước; chủ động phối hợp cơ quan chức năng địa phương, các sở, ngành nhằm đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế có hiệu quả; mời các doanh nghiệp nợ lớn thực hiện cam kết, nộp kịp thời các khoản nợ. Bên cạnh đó, cần đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ (đối với các đơn vị có nợ tiền thuê đất nằm trong diện được miễn, giảm) để giải quyết miễn, giảm theo quy định; đẩy mạnh việc thực hiện công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.
 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm