Một tiết học ở Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Kon Tum |
Tây Nguyên hiện có 43 thành phần đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đang cư ngụ, sinh sống tại 5 tỉnh: Đắk Lắk; Đắk Nông; Gia Lai; Kon Tum và Lâm Đồng, chiếm hơn 47% tổng dân số toàn khu vực. Do đó, việc tăng cường vận động các vị cha mẹ học sinh (DTTS) cho con em mình tự nguyện học thêm tiếng DTTS là rất cần thiết.
Hiện nay, Tây Nguyên đang dạy học các thứ tiếng DTTS: Êđê, Jrai, Bahnar, K’ho và M’nông, cho hơn chục ngàn học sinh tiểu học, THCS, là con em đồng bào các DTTS chiếm số lượng đông nhất và sinh sống tại chỗ, lâu đời ở Tây Nguyên
5 tỉnh Tây Nguyên đang dùng các bộ sách giáo khoa tiếng Êđê, Jrai, Bahnar, K’ho trong các trường tiểu học (lớp3- 4- 5) do Bộ GD&ĐT biên soạn, phát hành. Riêng các lớp 6, 7, 8 ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, tiếng DTTS dạy học theo tài liệu chương trình do địa phương tự biên soạn.
Một số tiếng DTTS tại Tây Nguyên nói trên, hiện được tổ chức dạy 2 tiết/tuần. Ngành GD các tỉnh ưu tiên đầy đủ, kịp thời giáo viên dạy tiếng DTTS, sách giáo khoa DTTS, trang bị đồ dùng dạy học có liên quan, giúp học sinh các DTTS tiếp thu tốt nhất tiếng mẹ đẻ của đồng bào mình.
Nổi bật nhất là tỉnh Đắk Lắk. Năm học 2018- 2019, tỉnh cấp sách giáo khoa mới tiếng Êđê (miễn phí) cho 13.170 học sinh Êđê (lớp3- 4- 5). Số học sinh này được 133 giáo viên trực tiếp dạy bằng tiếng Êđê ở 106 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Đắk Lắk đang có khoảng 14.416 học sinh- 718 lớp của 124 trường tiểu học, THCS đang dạy học các tiếng DTTS, chủ yếu là tiếng Êđê .
Các tỉnh, Đắk Nông; Lâm Đồng; Kon Tum sử dụng hàng trăm tỷ đồng ngân sách địa phương, để in sách giáo khoa bằng các thứ tiếng: Êđ;, Jra; Bahnar; K’ho, kèm sách bài tập, đáp ứng kịp thời nhu cầu dạy học tiếng DTTS.
Hầu hết, các giáo viên dạy tiếng dân tộc của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên, đã được đào tạo nghiệp vụ sư phạm tại các trường ĐH, CĐ, được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên ngành dạy tiếng DTTS, đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn theo quy định.
Đinh Lê Yên (GD&ĐT)