Trước làn sóng vỡ nợ tại các đại lý thu mua nông sản lan rộng ra cả Tây Nguyên, hầu như không có ai đòi được tài sản của mình, cũng chưa bao giờ thấy phiên tòa nào mở ra để giúp nông dân đòi lại tài sản.
Những lỗ hổng pháp lý vô hình trung đang làm cho tình trạng vỡ nợ cà phê trở nên dai dẳng, nhức nhối và để lại nhiều hệ lụy ở các vùng quê.
Sau nhiều năm vất vả chăm sóc, thu hoạch, gia đình bà Dương Thị Thắng ở buôn Lê B, thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) gom góp tất cả được hơn 3 tấn cà phê, đem ký gửi hết cho đại lý Cà phê Hải Nguyệt ở thị trấn Ea Drăng với hy vọng khi nào giá cà phê tăng thì sẽ bán lấy tiền để tiếp tục đi chữa bệnh. Trước đây, bà đã mổ 1 lần hẹp van tim, đến nay bệnh tình tái phát, bà dự định ra đại lý rút tiền để đi mổ thêm lần nữa với hy vọng cứu sống bản thân. Tuy nhiên, chưa kịp thực hiện thì bà cùng hàng trăm hộ dân khác nghe tin chủ đại lý Cà phê Hải Nguyệt đóng cửa đi khỏi địa bàn.
Bà Dương Thị Thắng chia sẻ: Tôi đang bị bệnh tim nặng, mổ từ năm 2015, nay bệnh tình tái phát, nên tôi dự định tiếp tục đi mổ. Trước đây, tôi vay mượn anh em họ hàng hơn 300 triệu để mua rẫy, nhưng hiện nay tiêu đã chết hết, cà phê thì quá già. Giờ đi chữa bệnh thì không còn mượn được ai, mà anh em cũng đang dính hết vào đại lý Hải Nguyệt. Khi nghe đại lý đóng cửa, tôi xỉu nằm giữa trời nắng hơn 1 tiếng rưỡi, như điên như dại.
Bà Thắng bức xúc kể về sự việc.
Bà Dương Thị Thân, ở thị trấn Ea Đrăng, cũng trong hoàn cảnh tương tự. Bà cho biết: Chúng tôi tin tưởng đại lý này lâu rồi. Một số gia đình là không có cà phê nhưng chồng làm được tiền thì cũng mua rồi gửi đó hết, có nhà là trên chục tấn. Như gia đình tôi là 6 tấn 6 tạ 50kg. Cái gì cũng nhờ hạt cà phê hết. Ngoài ra không có cái gì để thu nhập, con cái cũng đang ăn học. Từ khi nghe tin đại lý đóng cửa bỏ đi, chúng tôi như người mất hồn. Nếu đại lý vỡ nợ thật, dân chỉ có chết.
Thông thường, sau khi thu hoạch nông sản xong thì người dân sẽ đem sản phẩm của mình tới kho của các đại lý để ký gửi trên nguyên tắc khi cần tiền hoặc thấy giá cà phê chấp nhận được, họ sẽ bán cho đại lý bất kỳ lúc nào. Bởi vì nhiều gia đình hiện nay không muốn trông coi, dự trữ sản phẩm của mình tại nhà và không có nhu cầu bán để lấy tiền cùng một lúc.
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Tử Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Hleo, cho biết: Việc hình thành các đại lý thu mua, ký gửi nông sản như vậy là một nơi trung gian để lưu thông hàng hóa trên địa bàn, tạo đầu ra cho người dân, giảm bớt nhiều thao tác không sinh ra lời như phơi, quản lý sản phẩm sau thu hoạch và nhưng không có nhu cầu lấy tiền ngay. Tuy nhiên, việc này cũng lắm rủi ro khi đại lý vỡ nợ. Hiện tại trên địa bàn vừa xảy ra 4 vụ vỡ nợ nông sản. Tôi khuyên bà con khi đi gửi nông sản phải làm giấy tờ như hợp đồng, có ràng buộc trách nhiệm giữa 2 bên.
Lần lượt là đại lý Nguyệt Hải và Thành Lớn đóng cửa, nguời dân tập trung đòi nợ
Bên cạnh đó, thay vì phải lập hợp đồng bằng văn bản có nội dung chi tiết thì hầu hết các đại lý nhận ký gửi chỉ đưa cho bà con tờ giấy biên nhận. Tờ giấy này cũng là mẫu rập khuôn, áp dụng cho tất cả các trường hợp, chỉ khác nhau về số lượng hàng hoá đã nhận, từ đó nếu xảy ra tranh chấp sẽ rất khó khăn để xác định rõ trách nhiệm. Thứ hai, giấy biên nhận không có nội dung quy định cụ thể về việc chủ đại lý ký gửi có được bán cà phê hay chỉ bảo quản tại kho. Từ đó, chủ đại lý ký gửi sẽ tuỳ tiện bán đi để kinh doanh vì không có quy định ràng buộc trách nhiệm.
Theo đại tá Phạm Minh Thắng, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, thực tiễn cho thấy, xuất phát từ giao dịch dân sự, hai bên tự ký kết giao dịch với nhau, nên thỏa mãn yếu tố về dân sự thì công an sẽ xử lý bằng dân sự, có đủ yếu tố về hình sự thì sẽ xử lý hình sự. Cơ quan công an khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ về nơi ký gửi, tốt nhất là các doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, ký gửi phải có hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 10 năm trở lại đây, có gần 100 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên đã và đang vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng. Mặc dù cũng có một số vụ án được khởi tố, tuy nhiên cuối cùng thiệt hại vẫn thuộc về người dân, bởi hầu hết khi ký gửi nông sản thì họ chỉ có giấy nợ viết tay, thậm chí không hề có giấy tờ gì cả. Thành quả của một năm, thậm chí trong nhiều năm vất vả sản xuất đã không cánh mà bay mà không biết trông chờ vào đâu.
Quốc Hùng-Diệp Chi (Kinh tế nông thôn)