Kinh tế

Tây Nguyên oằn mình trong nắng hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thống kê sơ bộ, thời điểm hiện tại, khu vực Tây Nguyên có đến 95.000 ha cây trồng thiếu nước tưới, trong đó có trên 7.000 ha đã dừng sản xuất vì thiếu nước hoàn toàn. Tình trạng hạn hán năm nay được coi là khốc liệt nhất trong gần 100 năm qua tại khu vực Tây Nguyên.

Do thiên tai

Tình trạng hạn hán của mùa khô năm 2016 tại khu vực Tây Nguyên được xác định do hiện tượng El Nino gây ra. Diễn biến của đợt hạn hán này thực chất đã bắt đầu từ mùa mưa năm 2015. Thường thì mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên bắt đầu từ cuối tháng 4 và kéo dài tới đầu tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên trong năm 2015, mùa mưa đã kết thúc sớm vào đầu tháng 9 và đặc biệt trong suốt năm này không xuất hiện bão, lũ trên toàn vùng Tây Nguyên. Vì thế các hồ chứa lớn thiếu hụt nguồn nước dự trữ và đến thời điểm này bình quân chỉ còn lại từ 20% đến 40% lượng nước so với sức chứa. Các hồ nhỏ thì 100% đã cạn kiệt tới đáy, không còn khả năng cung cấp nước tưới cho cây trồng và nước sinh hoạt cho người dân.

 

Mực nước trên các sông ở Bắc Tây Nguyên biến đổi chậm và có xu thế xuống dần.
Mực nước trên các sông ở Bắc Tây Nguyên biến đổi chậm và có xu thế xuống dần.

Tại tỉnh Gia Lai, đến nay đã có 13.500 ha cây trồng bị khô hạn, trong đó khoảng gần 3.000 ha lúa, màu đã mất trắng, trên 4.000 ha cà phê, 1.300 ha hồ tiêu bị thiếu nước tưới và có nguy cơ bị chết cháy, tập trung ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh... Toàn tỉnh có 340 hồ, đập cung cấp nước tưới cho 54.684 ha cây trồng nhưng hiện nay mực nước ở các hồ chỉ còn lại 1/3 so với trung bình nhiều năm và hậu quả là nhiều diện tích cây trồng không còn nước để tưới, ước tính thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng. Đầu tháng 3, tỉnh Gia Lai đã phải công bố tình trạng thiên tai trên địa bàn với mức rủi ro cấp độ 1.

Tại tỉnh Kon Tum, đến thời điểm này, cũng đã có khoảng 1.200 ha cây trồng thiếu nước tưới, trong đó lúa nước là 750 ha, còn lại là diện tích cà phê. Diện tích cây trồng đã mất trắng là gần 300 ha và đang gia tăng nhanh chóng. Nếu đến đầu tháng 6 mới có mưa thì Kon Tum sẽ có khoảng 6.000 ha cây trồng bị mất trắng hoặc giảm đáng kể về năng suất. Đến giữa tháng 3, tỉnh Kon Tum cũng phải công bố tình trạng thiên tai với mức rủi ro cấp độ 1.

Hiện nay, Đak Lak đã có khoảng 8.500 ha cây trồng bị hạn nặng và trên 5.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Và do con người

Con người là tác nhân gây nên tình trạng hạn hán và lũ lụt ở Tây Nguyên. Điều này đã được rất nhiều hội nghị đánh giá và cũng được rất nhiều nhà khoa học cảnh báo trong nhiều năm qua. Đó chính là nạn phá rừng, tình trạng phá vỡ quy hoạch về cơ cấu cũng như diện tích cây trồng, tình trạng khoan và sử dụng nguồn nước ngầm bất hợp lý, lãng phí...

Hàng năm, khu vực Tây Nguyên có hàng chục ngàn ha rừng bị tàn phá với nhiều hình thức: đốt rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép, xây dựng tràn lan các công trình thủy điện...


Những năm qua, tình trạng phá rừng để trồng cao su, cà phê, hồ tiêu… diễn ra rất phổ biến. Cũng chính vì lý do này mà cơ cấu cây trồng hầu hết ở các địa phương khu vực Tây Nguyên liên tục bị phá vỡ, không thể kiểm soát. Theo quy hoạch đến năm 2015 Gia Lai sẽ trồng 50.000 ha cà phê nhưng cách đây 5 năm, diện tích cà phê đã vọt lên 80.000 ha... Đương nhiên diện tích cây trồng được mở rộng thì cũng đồng nghĩa với diện tích rừng bị mất đi và kèm theo đó là nhu cầu khoan giếng để lấy nước tưới, kéo theo nguồn nước ngầm bị sụt giảm.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đang phải trợ cấp gạo để cứu đói, trợ cấp tiền để mua nước sinh hoạt, hạn chế đến mức thấp nhất khi dùng nước tưới cho cây trồng và chăn nuôi gia súc... Những biện pháp này rõ ràng chỉ mang tính cấp bách để ổn định tối thiểu đời sống cho người dân. Cũng có vị lãnh đạo đã cho rằng, đây là cơ hội để Tây Nguyên chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý hơn. Điều đó không sai nhưng theo các nhà khoa học thì giải pháp bền vững và lâu dài thì Tây Nguyên phải trồng rừng để hoàn trả lại môi trường, đảm bảo độ che phủ tối thiểu của rừng phải đạt 70%.

Hoàng Anh Phượng

Có thể bạn quan tâm