Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

TechDemo 2019: Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày 24 đến 26-11, tại TP. Pleiku sẽ diễn ra sự kiện trình diễn, kết nối cung-cầu công nghệ (TechDemo) 2019 với chủ đề “Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại Gia Lai với sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu trong và ngoài nước. Ngoài trình diễn, kết nối cung-cầu công nghệ, chuyển giao công nghệ mới, sự kiện này còn là dịp để tỉnh Gia Lai có cơ hội quảng bá tiềm năng và kêu gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực.
Sẵn sàng cho sự kiện mang tầm quốc gia
Theo thông tin từ Ban tổ chức, TechDemo 2019 là sự kiện mang tầm quốc gia và Gia Lai là tỉnh đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên tổ chức sự kiện này. Sự kiện trình diễn, kết nối cung-cầu công nghệ và Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương sẽ diễn ra với 10 hoạt động chính, nổi bật, kết hợp với hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Gia Lai. 
Đường Anh Hùng Núp (TP. Pleiku) là nơi diễn ra một số hoạt động của sự kiện TechDemo 2019. Ảnh: Q.T
Ông Nguyễn Nam Hải-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho biết: Thời gian qua, Sở đã bám sát chỉ đạo của Bộ KH-CN, UBND tỉnh để phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các nội dung chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này. Đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện. Theo đó, Sở Giao thông-Vận tải đã có văn bản đề nghị Cảng Hàng không Pleiku tăng cường các chuyến bay; các hãng vận tải tăng cường phương tiện phục vụ vận chuyển hành khách. Sở Y tế đã chỉ đạo thành lập các tổ cấp cứu và phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe đại biểu tham dự sự kiện tại Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, Khách sạn Pleiku và Quảng trường Đại Đoàn Kết (nơi diễn ra các hoạt động của sự kiện); chỉ đạo Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm kiểm tra tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh ăn uống và buôn bán thực phẩm trên địa bàn TP. Pleiku trước, trong thời gian tổ chức sự kiện; thành lập đội phòng-chống dịch bệnh thường trực tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã có kế hoạch, phương án bảo vệ an ninh, an toàn cho các hoạt động của sự kiện. Công ty Điện lực Gia Lai đã xây dựng kế hoạch, lập phương án cấp điện đảm bảo cho các hoạt động của sự kiện. Ủy ban nhân dân TP. Pleiku đã chỉ đạo các phòng, đơn vị, UBND các xã, phường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông; tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các hoạt động của sự kiện đến người dân; chỉnh trang đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị xanh-sạch-đẹp trước, trong và sau thời gian diễn ra sự kiện…
Cũng theo ông Hải, Sở KH-CN đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan lên nội dung, tuyên truyền về sự kiện này; in sổ tay, áp phích, lập danh sách, tập huấn cho 200 tình nguyện viên để đón tiếp, hướng dẫn các đoàn khách Trung ương, các tỉnh, thành về tham gia sự kiện. Đồng thời, Sở đã gửi thư mời đến hơn 800 doanh nghiệp, hợp tác xã... trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động và vận động xã hội hóa kinh phí để triển khai các nội dung tổng thể sự kiện. So với các sự kiện được tổ chức trước đây, sự kiện lần này có nhiều nét mới như được tổ chức trong không gian mở nhằm giới thiệu hàng ngàn công nghệ mới đến người dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua đó, mở ra cơ hội tiếp cận với các công nghệ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế để tương tác, tư vấn những vấn đề cùng quan tâm về công nghệ.
Ngoài ra, công tác chuẩn bị mặt bằng tổ chức các sự kiện, nơi diễn ra hội nghị, hội thảo đều đã được tiến hành chu đáo. Ban tổ chức cũng đã cấp 500 cuốn sổ tay “Gia Lai TechDemo 2019” cho Sở Giao thông-Vận tải để phát cho các hãng taxi và các tài xế phục vụ đưa đón đại biểu, khách mời đến tham gia sự kiện. Đến nay, đã có 300 tổ chức đăng ký gian hàng, trong đó có 150 gian hàng của các đơn vị Trung ương và 150 gian hàng của các đơn vị tại địa phương.
Cơ hội kết nối cho các doanh nghiệp
Một trong những hoạt động quan trọng của sự kiện lần này là trình diễn, giới thiệu công nghệ và sản phẩm làng nghề vùng Tây Nguyên. Tham gia hoạt động này có 150 gian giới thiệu, trình diễn công nghệ trong các lĩnh vực: chế biến, bảo quản nông-lâm sản; cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, IoT; công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo; công nghệ bảo vệ môi trường. Ngoài ra còn có 120 gian trưng bày sản phẩm đặc thù của tỉnh và 180 gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp. Một hoạt động quan trọng nữa trong dịp này là tư vấn cho doanh nghiệp về công nghệ, cải tiến kỹ thuật, kết nối B2B và tọa đàm chuyên sâu về các lĩnh vực công nghệ... Hai hoạt động này là dịp để các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước giới thiệu, quảng bá, trình diễn những công nghệ mới cũng như giới thiệu các sản phẩm làng nghề, các tinh hoa sản vật địa phương.
Sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Quang Tấn
Trao đổi với P.V, ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) cho biết: Có thể khẳng định, khoa học công nghệ có vai trò, vị trí rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như người nông dân. Hiện nay, ở tỉnh ta chỉ có khoảng 5% người dân áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây cà phê, hồ tiêu. Đây là một con số còn quá khiêm tốn. Chính vì việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất của người nông dân còn thấp nên năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm chưa cao. Chúng tôi xác định, sự kiện TechDemo lần này sẽ là cơ hội để doanh nghiệp nói riêng và nông dân Gia Lai nói chung tiếp cận những sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, từ đó ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, góp phần tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tạo ra những chuỗi giá trị tốt nhất, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Đặc biệt, tại sự kiện lần này, UBND tỉnh Gia Lai sẽ kết hợp tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư và trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp vào địa phương. Ông Nguyễn Thành Long-Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Hidico (tỉnh Đồng Tháp) thông tin: Đến với sự kiện TechDemo lần này, chúng tôi sẽ trưng bày máy bê tông bọt nhẹ không chưng áp. Đồng thời, chuyển giao công nghệ sản xuất và ứng dụng bê tông bọt nhẹ không chưng áp thay thế gạch nung, sản phẩm hiện đang là xu thế ở nước ta và trên thế giới. Gia Lai đang phát triển mạnh mẽ và TP. Pleiku là đô thị trẻ nên sẽ là cơ hội để công ty chúng tôi đầu tư, ứng dụng bê tông bọt nhẹ không chưng áp, ứng dụng vật liệu không nung vào các công trình xây dựng. Hy vọng sự kiện này sẽ mở ra cho công ty chúng tôi hướng đầu tư, hợp tác, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất, cung cấp sản phẩm cho thị trường Gia Lai, kết hợp các nhà đầu tư bất động sản Gia Lai đầu tư xây dựng nhà ở giá rẻ chất lượng cao.
Các sản phẩm của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp được sản xuất theo dây chuyền công nghệ hiện đại. Ảnh: Q.T


Ngày 21-11, Sở KH-CN phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn mở lớp tập huấn cho tình nguyện viên tham gia hướng dẫn khách tham dự TechDemo 2019. Tại buổi tập huấn, 200 học sinh, sinh viên các trường: THPT chuyên Hùng Vương, Cao đẳng Nghề Gia Lai, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai được cung cấp thông tin cơ bản về TechDemo 2019 cùng những nhiệm vụ cụ thể khi tham gia sự kiện này. Theo đó, các tình nguyện viên được chia thành 20 đội, thực hiện một số công việc như: hướng dẫn các đoàn khách đi lại, tìm kiếm các địa điểm ăn uống, nghỉ ngơi, tham dự các hoạt động tại sự kiện; hỗ trợ tại mỗi gian hàng trưng bày sản phẩm công nghệ; giải đáp những thắc mắc, cung cấp các thông tin chính xác về sự kiện cho đại biểu, người dân và du khách tham quan...


Sự kiện TechDemo 2019 sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về nhu cầu công nghệ, đồng thời mở rộng cơ hội tìm hiểu, nhận diện, tiếp cận, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trong cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng. Các hội thảo quốc tế, diễn đàn chuyên sâu tại sự kiện sẽ góp phần giải quyết bài toán công nghệ cho doanh nghiệp, nhất là phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp để tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới, chất lượng cũng như phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực của địa phương. Từ đó, đề xuất những công nghệ phù hợp cùng nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ trong sản xuất.
Ngoài ra, đây còn là cơ hội để giới thiệu về hình ảnh con người, thiên nhiên, tinh hoa sản vật, các tiềm năng lợi thế, các chính sách ưu đãi đầu tư và định hướng phát triển của Gia Lai với bạn bè trong nước, quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các kết nối đầu tư tài chính gắn với công nghệ. Ông Lê Văn Dân-Giám đốc Công ty TNHH Nuôi và Xuất nhập khẩu Ong mật Gia Lai-bày tỏ: Tham gia sự kiện lần này, sản phẩm mật ong rừng của chúng tôi sẽ có cơ hội được khách hàng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng tôi học hỏi, tiếp thu các ứng dụng KH-CN vào sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cùng sự tham gia, ủng hộ của lãnh đạo các cấp, các doanh nghiệp, TechDemo 2019 được tin tưởng sẽ thành công tốt đẹp, là bước đi thiết thực của Bộ KH-CN nói chung và ngành KH-CN Gia Lai nói riêng trong việc hiện thực hóa những chính sách lớn để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh.
QUANG TẤN-NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm