(GLO)- Sau hàng chục năm di cư vào sinh sống xen lẫn trong cộng đồng người Kinh, Bahnar, bà con người dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc như: Mường, Tày, Thái… ở Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai vẫn giữ nguyên nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp. Họ góp phần đem đến những màu sắc mùa xuân tươi mới, độc đáo cho vùng căn cứ địa cách mạng của tỉnh.
Tưởng nhớ nguồn cội, ông bà
Mặc dù sinh sống rải rác tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đến các tỉnh Bắc Trung bộ nhưng người Mường, Thái lại có truyền thống gói bánh tét thay vì bánh chưng như đa phần các dân tộc khác sinh sống cùng khu vực. Với người Mường, người Thái, Tết không thể thiếu bánh tét và cây mía trong lễ vật dâng cúng gia tiên. Lễ vật dâng cúng gia tiên theo phong tục của người Mường thường bao gồm: bánh kẹo, bánh tét, thịt, nải chuối xanh và 2 cây mía. “Bánh tét có ý nghĩa tương tự như bánh chưng của người Kinh. Người Mường chúng tôi đặt 2 cây mía ở hai bên bàn thờ gia tiên với ý nghĩa tượng trưng cho cây gậy để các cụ chống đi về đón Tết cùng con cháu”-chị Đinh Thị Chuyên, Bí thư Chi bộ kiêm trường thôn H’ro (xã Krong) chia sẻ.
Một gia đình người Mường gói bánh tét ăn Tết. Ảnh: Lê Hòa |
Khi dâng cúng gà, heo cho ông bà, các gia đình người Mường, Thái không để nguyên con, mà chặt ra thành miếng nhỏ. Theo quan niệm tâm linh của người Mường, gà, heo phải chặt hoặc thái thành miếng như khi ăn thì ông bà mới “ăn” được. Trên mâm cúng luôn phải có 2 nắm cơm gói trong lá chuối. Đây là phần cơm để ông bà có thể dùng “ăn” dọc đường về với con cháu.
Người Mường, người Thái không có tập tục đốt vàng mã. Trong lễ vật dâng cúng ngày Tết luôn phải có 1 bộ quần áo mới. Ngày trước, quần áo hầu hết phải tự dệt. Sau khi dệt xong, gia chủ phải lựa chọn bộ quần áo mới. Ngày nay, quần áo hầu hết được mua sẵn ngoài chợ nên bà con đã “cơi nới” ít nhiều quan niệm và có thể chấp nhận dâng cúng đồ mua sẵn. Người Mường cũng không cúng hoa tươi trên bàn thờ gia tiên, thay vào đó thường là một cành đào thắm trưng trong nhà đón Tết.
Đón 3 ngày Tết trong năm
Người Mường, người Thái ở Krong đón Tết sớm hơn người Kinh 1 ngày, thường bắt đầu từ ngày 30 Tết. Lễ cúng gia tiên, ông bà được thực hiện vào ngày 30 tháng Chạp, kéo dài đến giao thừa. Mùng 1 là ngày “làm Tết chung”, cả cộng đồng sẽ cùng ra nhà thôn vui chơi. Từ mùng 2, các gia đình người Thái, Mường mới bắt đầu đi chúc Tết họ hàng, lần lượt từ các gia đình có vai vế, thứ bậc cao hoặc các gia đình có cụ cao niên thì bà con sẽ tới chúc Tết sớm nhất, sau đó lần lượt theo “lịch” đã được gia chủ chọn và thống nhất với người làng trước đó để tiện cho gia chủ chuẩn bị. Mỗi gia đình được đến thăm chúc Tết chuẩn bị rượu tiệc linh đình để mời khách. Các món ăn truyền thống trong Tết của người Mường, người Thái là: bánh tét, cơm nếp, lạp xưởng, thịt trâu/bò gác bếp, thịt gà… Từ mùng 5 trở đi, các gia đình sẽ chọn ngày đẹp để khai xuân, xuống đồng đầu năm, bắt đầu một năm làm việc mới.
Người Mường, người Thái đón Tết rất đông vui. Họ sẽ lần lượt chúc Tết và ăn cơm từng gia đình. Ảnh: Lê Hòa |
Ngoài Tết Nguyên đán là Tết lớn nhất trong năm, người Mường, người Thái đón thêm Tết Xíp xí (còn gọi là Tết cho trẻ em đi chăn trâu, chăn bò) diễn ra vào ngày 14-7 Âm lịch-thời điểm nông nhàn, trâu bò được nghỉ ngơi. “Tết Xíp xí là Tết của trẻ em. Trẻ em sẽ được sắm cho 1 bộ đồ mới, cho một ít tiền lẻ đi chơi hoặc mua bánh kẹo. Trâu, bò sẽ được nghỉ ngơi, thậm chí còn được ăn xôi. Cả làng sẽ cùng nhau chơi hội, múa hát và làm lễ cúng tạ ơn trời đất và xin trời đất ban cho con trẻ sức khỏe, mùa màng bội thu"-chị Chuyên cho biết.
Ngoài Tết Xíp xí, bà con người Mường, người Thái còn có một Tết khác không kém phần đặc biệt, đó là Tết Quốc khánh. Với nhiều dân tộc sinh sống tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Tết Quốc khánh đã trở thành nếp sinh hoạt truyền thống được duy trì hàng năm. Vào ngày Quốc khánh 2-9, tất cả các gia đình sẽ nghỉ ngơi và mổ bò, heo ăn mừng. Ngoài ra, họ còn tổ chức một số chơi trò chơi dân gian như: ném còn, nhảy sạp…
Theo ông Đỗ Công Trúc-Chủ tịch UBND xã Krong, trên địa bàn xã có 10 làng (sáp nhập từ 23 làng) với khoảng 1.340 hộ dân; trong đó hộ người Bahnar chiếm khoảng 85%, còn lại là các hộ người Kinh và một số gia đình người dân tộc phía Bắc di cư vào làm ăn, sinh sống. “Bà con người Mường, Tày, Thái… di cư vào Krong từ những năm 90 của thế kỷ trước. Phần lớn đều chịu khó làm ăn nên đời sống kinh tế khá. Bà con rất có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Do vậy, không chỉ góp phần tạo nên sự phong phú trong đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, cộng đồng các gia đình người dân tộc phía Bắc còn góp phần không nhỏ tạo nên sự thay đổi, phát triển cho Krong hôm nay và mai sau”.
Lê Hòa