Kinh tế

Tết Đinh Dậu 2017: Không thiếu hàng, sốt giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch cho 2 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 với tổng giá trị hàng hóa dự trữ là 10.260 tỷ đồng.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, khoảng chừng ngày 10 tháng Chạp trở đi, thị trường hàng hóa Tết mới sôi động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng từ rất sớm để phục vụ nhu cầu mua sắm trong dân, đồng thời ổn định giá bán. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn tăng cường thực hiện các đợt khuyến mãi, giảm giá bán ngay trong dịp cao điểm nhằm hỗ trợ người dân và kích cầu tiêu dùng.

 

Nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Đ.T
Nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Đ.T

Dự báo nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng khoảng 20% trong dịp Tết, do đó các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa cho 2 tháng trước, trong và sau Tết với tổng giá trị là 10.260 tỷ đồng. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm khoảng 3.900 tỷ đồng, hàng may mặc 1.530 tỷ đồng, nguyên vật liệu 2.660 tỷ đồng, hàng công nghiệp 1.230 tỷ đồng, hàng hóa dịch vụ khác 880 tỷ đồng… Riêng tháng cận Tết, dự báo nhu cầu mua sắm sẽ tăng khoảng 30% nên lượng hàng dự trữ tương ứng 5.558 tỷ đồng.
 

Ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương nhận định: Tình hình giá cả một số mặt hàng nông sản đang nhích lên, thu nhập của người dân tăng nên dự báo sức mua sẽ tăng cao. Do đó, việc chủ động nguồn hàng tốt sẽ tránh tình trạng khan hiếm hàng, gây sốt giá. Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chặt chẽ, ngoài kiểm tra theo kế hoạch phải tổ chức kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đảm bảo ổn định thị trường để người tiêu dùng yên tâm mua sắm trong dịp Tết.

Với quyết tâm không để thiếu hàng, sốt giá trong dịp Tết, hiện tại, các doanh nghiệp đầu mối đã có kế hoạch phân bổ nguồn hàng cho các đại lý trực thuộc tại các huyện, thị xã trong tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm đang tăng cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp và siêu thị cũng sẽ tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn bằng phương thức bán hàng lưu động. Theo đó, những mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, mứt, nước giải khát, rượu, bia, hàng may mặc, hàng điện tử sẽ được đưa đến phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa. Ông Bùi Quốc Bình-Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku cho biết: Dự kiến sức mua dịp Tết năm nay tại siêu thị tăng khoảng 10% so với năm trước và tăng khoảng 40% so với ngày thường. Năm nay, siêu thị chuẩn bị một lượng hàng dự trữ phục vụ Tết với tổng giá trị 140 tỷ đồng. Dù đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào song hiện tại, nguồn hàng thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, rau củ tại siêu thị đang bị khan hiếm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Do đó, siêu thị rất cần nguồn hàng thực phẩm tươi sống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ông Nguyễn Sỹ Quang-phụ trách kinh doanh Công ty cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Tây Nguyên-Chi nhánh Gia Lai cho biết: Chi nhánh đã dự trữ 236.000 két bia chai và 580.000 thùng bia lon các loại với giá trị 144 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.

Dự đoán sức mua Tết năm nay sẽ tăng khá hơn năm ngoái, tuy nhiên các doanh nghiệp đầu mối cũng đã có cam kết ổn định giá để thị trường không bị xáo động. Các doanh nghiệp cho rằng, thị trường đang có sự cạnh tranh rất lớn, sức mua dự báo tăng nhưng tính chất thời vụ không còn rõ nét và tập trung tiêu thụ nhiều như trước. Trong khi đó, hoạt động bán hàng cũng khởi động trở lại từ ngày mùng 2 Tết nên người tiêu dùng không còn thói quen dự trữ hàng hóa nhiều.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm