Cẩm nang ngày tết

Tết thưởng thức bánh gấc để nhận may mắn, tài lộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày xưa, mỗi dịp Tết đến Xuân về, ngoài mấy thứ quà bánh truyền thống như bánh chưng, mứt gừng, mứt bí, hạt dưa đỏ... người Hà Nội còn có món bánh gấc, hay còn gọi bánh cà chua, vì có hình giống quả cà chua.

Bánh gấc đỏ là món tráng miệng, thường dùng với ấm trà thơm.

 

Những chiếc bánh gấc đỏ mọng như đem lại nhiều điều may mắn vào ngày đầu năm mới.
Những chiếc bánh gấc đỏ mọng như đem lại nhiều điều may mắn vào ngày đầu năm mới.

Ngày Tết, sau khi dùng cỗ Tết, mọi người thường quây quần bên nhau để thưởng thức món bánh gấc đỏ để lấy cái hên đầu năm, bởi theo quan niệm của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc, nhất là vào dịp đầu năm mới.

Vì vậy, ngày Tết, người Việt thường rất thích làm các món ăn hoặc bày những đồ trang trí có màu đỏ.

Lại nói về món bánh gấc đỏ. Đây là loại bánh được làm một cách khá cầu kỳ, nếu không nói là khó, nên thường chỉ có những nghệ nhân hoặc người khéo tay thạo chuyện bếp núc mới làm được.

Và đó cũng là một trong những lý do khiến cho món bánh nổi tiếng này ít được làm một cách phổ biến, nên từ đó mai một dần.

 

Ngày nay, số người Hà Nội biết làm món bánh gấc còn lại không nhiều. Mới đây có nghệ nhân ẩm thực trẻ Nguyễn Phương Hải, một người Hà Nội có tấm lòng yêu phong cách ẩm thực truyền thống của quê hương, đã dày công tìm kiếm phục hồi được khá nhiều món ăn cổ của người Hà Nội đã bị mai một, trong đó có món bánh gấc đỏ.
 

 Nghệ nhân trẻ Nguyễn Phương Hải hướng dẫn kỹ thuật làm bánh gấc theo phương pháp cổ truyền.
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Phương Hải hướng dẫn kỹ thuật làm bánh gấc theo phương pháp cổ truyền.

Nguyên liệu và cách chế biến món bánh nổi tiếng này về cơ bản có thể hình dung một cách sơ lược như sau: Nguyên liệu làm bánh gấc đương nhiên phải là gấc chín, đi kèm với đó là bột nếp cái hoa vàng, đỗ xanh đãi sạch vỏ đồ chín tán nhuyễn, cùi dừa nạo sợi, mỡ phần, mứt bí, lá mảnh cộng, hoa bưởi, vani, đường kính trắng...

Sau khi đã có đủ các thứ nguyên liệu, người ta sẽ tiến hành sơ chế qua nhiều bước để làm vỏ bánh và nhân bánh. Bước quan trọng nhất là nặn bánh thế nào cho thật giống quả cà chua, rồi cuối cùng là cho vào chõ hấp chín.

Bánh gấc hấp chín có màu đỏ mọng như quả cà chua chín, trông rất đẹp mắt. Những chiếc bánh gấc đỏ bày trên nền lá chuối xanh non mỡ màng trông càng bắt mắt lạ.

Bánh gấc vừa đẹp mắt, vừa giàu vitamin A, lại được xem là món ăn đem lại nhiều may mắn tài lộc nên rất được các gia đình truyền thống Hà Nội ưa dùng vào ngày Tết.

Ngày Tết, trên bàn thờ gia tiên, ngoài mấy món lễ vật thường thấy như chai rượu, hộp mứt, mâm ngũ quả, đĩa trầu cau, cành đào Tết... nếu có thêm đĩa bánh gấc đỏ xem ra không khí đón Xuân cũng tăng thêm phần ấm cúng và trang trọng.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm