Sống trẻ - Sống đẹp

Tết từ tay em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cận Tết là dịp các đoàn thiện nguyện ghé thăm những địa chỉ cần sự hỗ trợ, nhất là nơi cưu mang trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật để mang đến cho các em một mùa xuân ấm áp. Nhưng có một nơi mà trẻ khuyết tật đang âm thầm vẽ nên màu Tết cho chính mình và mang Tết đến với mọi người thông qua những sản phẩm ngộ nghĩnh.
Nhiều năm qua, cứ gần Tết Nguyên đán là các em nhỏ khuyết tật tại cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên (hẻm 106 Lý Thường Kiệt, thôn 5, xã Trà Đa, TP. Pleiku) lại háo hức bắt tay vào trang trí hàng trăm chiếc phong bao lì xì. Được các cô “tiếp thị” trên mạng xã hội, những phong bao lì xì độc đáo do các em làm ra đến đâu bán hết đến đó. Năm nay, ngoài phong bao lì xì, các em còn được hướng dẫn trang trí heo đất, dừa trái và bầu hồ lô. 
Xem sắc màu là một cách hỗ trợ trị liệu, cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên đã tổ chức cho gần 20 trẻ khiếm thính, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ… học mỹ thuật. Nhiều em thể hiện năng khiếu vẽ thấy rõ với cách bố cục, sử dụng đường nét, màu sắc đầy sáng tạo. Ở thế giới của những cây cọ, các em hoàn toàn được tự do thể hiện ý tưởng cũng như mơ ước về cuộc sống. Với sự hướng dẫn của giáo viên mỹ thuật, trên những chiếc phong bao lì xì hiện lên cành đào, cành mai, đóa hướng dương, chim én, cô gái duyên dáng trong chiếc áo dài hay những chữ Phúc, Tài, Lộc… cách điệu đẹp mắt. Một mùa xuân rỡ ràng tuôn trào từ bàn tay của những em nhỏ vốn chịu nhiều thiệt thòi ngay từ lúc mới chào đời. Thật thú vị khi ngắm những bức họa lạ lùng của tuổi thơ. Chúng hầu như chẳng bị gò bó bởi một khuôn khổ nào: đóa mai 4 cánh, cầu vồng chỉ 4 màu, hướng dương rực sắc hồng tươi… Những chú heo đất vô cùng sống động với các họa tiết trang trí hình xoắn ốc, trái tim, hoa cỏ… cùng tên của các cô cậu bé là chủ nhân. Dừa trái, bầu hồ lô thì được phủ một lớp nhũ vàng, sau đó mới trang trí đào, mai và chữ thư pháp. Hàng chục đơn đặt hàng đã được gửi về động viên những “nghệ nhân” nhỏ tuổi. Thay vì “chơi” với cọ vẽ 1 buổi/tuần, nay các em phải tăng ca lên 3 buổi/tuần để kịp giao hàng. Vậy nhưng bé nào cũng thật hào hứng. 
Các em ở cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên trang trí heo đất để kịp giao hàng Tết. Ảnh: Phương Duyên
Từ chỗ được học để thể hiện ý tưởng về màu sắc, các em còn có cơ hội trải nghiệm cảm giác tự mình làm ra tiền. Đó là khi sản phẩm của các em được trân trọng đón nhận, có lúc “cháy hàng”. Chị Trần Diễm Trinh-Giám đốc Công ty TNHH hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên-cho hay: Trừ chi phí mua nguyên vật liệu thì tiền công được chia đều cho các em để khích lệ, tạo động lực sáng tạo nhiều hơn nữa. Đón nhận 2 chú heo đất ngộ nghĩnh mà mình đặt mua cho con, cháu, chị Đặng Minh Tâm (14/149 Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku) xúc động nói: “Khi nhận sản phẩm, tôi rất bất ngờ vì các em vẽ quá đẹp, quá khéo léo so với hình dung ban đầu của tôi. Tôi đã đặt thêm cặp dừa thư pháp và cặp bầu hồ lô chưng Tết, đồng thời giới thiệu bạn bè biết đến để ủng hộ các em”. Một cái Tết thật ấm, thật vui tươi đang đón đợi các em từ sự ủng hộ chân tình, đáng yêu như thế của những người xung quanh. Đây cũng là cơ sở để các em định hướng nghề nghiệp trong tương lai.   
Ai cũng mong được làm người có ích, các em nhỏ khuyết tật cũng thế. Niềm vui khi được khẳng định mình, đóng góp giá trị bản thân cho xã hội luôn mang lại cho mỗi người sự lạc quan và tin yêu vào cuộc sống. Với các bậc phụ huynh, sự tiến bộ của con dù chỉ từng chút cũng khiến họ mừng rơi nước mắt. Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn trẻ em khuyết tật hệ vận động, hệ thần kinh… rất cần được hỗ trợ không chỉ về vật chất, tinh thần, mà còn trong công tác đào tạo, hướng nghiệp để có thể tự lo cho bản thân, bớt dần sự phụ thuộc vào gia đình. Đến nay, hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật vẫn là câu chuyện hết sức thời sự nhưng dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức, có chăng chỉ dừng ở nỗ lực của một vài cá nhân. Thiết nghĩ, đây là điều cần được các ngành, các cấp liên quan chú trọng nhiều hơn nữa, qua đó vừa giúp trẻ khuyết tật khẳng định bản thân, vừa bớt đi phần nào gánh nặng xã hội. 
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm