Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Thách thức khi giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bức tranh kinh tế nước ta đã thêm nhiều gam màu sáng khi mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng kinh tế quý II đạt 6,17%. Tính chung 6 tháng qua, GDP ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương trong những tháng cuối năm. Theo các chuyên gia, việc tăng trưởng về “lượng” không phải là không khả thi, nhưng về “chất” thì còn rất nhiều điều cần bàn. 
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, với mức tăng trưởng GDP 6,17% trong quý II cho thấy, tình hình kinh tế đã khởi sắc. Khoảng cách giữa tăng trưởng của quý I và  quý II đã được kéo dãn lên 1%, là một bước đột phá nhờ những nỗ lực trong điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng qua tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục lập kỷ lục với trên 61 ngàn doanh nghiệp đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là hơn 1,45 triệu tỷ đồng, cho thấy môi trường kinh doanh được cải thiện.

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo chưa thể bù đắp được phần thiếu hụt do giảm sút của ngành khai khoáng; du lịch tuy tăng trưởng tốt về lượng khách nhưng doanh thu chưa tương xứng; thu hút FDI và doanh nghiệp đăng ký mới tăng mạnh nhưng vốn giải ngân không cao. Chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động của chúng ta còn thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc, thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.

Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm nay thì 6 tháng cuối năm, tăng trưởng phải đạt trên 7,4%. Các chuyên gia cho rằng, trong lịch sử chưa có 6 tháng cuối năm nào mà chúng ta có mức tăng cao như vậy (!). Đây rõ ràng là một thách thức rất lớn cho các nhà điều hành vĩ mô. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn kiên quyết giữ mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức 6,7%, bởi năm nay được xác định là năm bản lề, quan trọng nhất, quyết định kết quả của các năm tiếp theo.

Tăng trưởng luôn là mục tiêu phấn đấu mà Đảng, Nhà nước đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên quá chú trọng đến con số bao nhiêu mà nên quan tâm nhiều hơn tới chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng. Để tăng trưởng cao và bền vững, cần sớm hóa giải những chữ “nếu” mà Quốc hội đã đặt ra tại kỳ họp thứ 3 mới đây. Đó là “nếu” nhanh chóng cơ cấu lại nền kinh tế, “nếu” phân bổ hợp lý nguồn lực đầu tư, “nếu” cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… và còn rất, rất nhiều chữ “nếu” nữa cần phải được trả lời một cách trách nhiệm!

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đòi hỏi tinh thần hành động đồng bộ từ các bộ, ngành trung ương đến địa phương. Trong đó, yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng yêu cầu: “Không thể trên nóng dưới lạnh, một khi bộ máy công quyền nếu vẫn còn “hành là chính” thì Chính phủ kiến tạo vẫn mãi chỉ là giấc mơ. Nếu cán bộ quản lý một số bộ, ngành, lĩnh vực còn điều hành đất nước bằng thái độ vô cảm, lợi ích nhóm thông qua việc cài cắm những điều kiện, những giấy phép con… thì doanh nghiệp chân chính khó mà lớn lên được”.

Những nghi vấn về tình trạng tham nhũng, vơ vét của chung thành túi riêng ngày càng trở nên công khai, khi hết biệt phủ này đến dinh thự nọ của quan chức địa phương mọc ra nghênh ngang ở khắp nơi, như thách thức dư luận, làm mất niềm tin của dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Chính những cán bộ biến chất đã gây nợ xấu, đã làm nợ công tăng cao, môi trường đầu tư kinh doanh méo mó, góp phần gây bất ổn xã hội.

Để gỡ nỗi lo tăng trưởng nói riêng và bài toán phát triển nói chung, không còn cách nào khác là phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo tận tâm, tận lực vì sự nghiệp chung. Tốc độ tăng trưởng cao chỉ thực sự có ý nghĩa khi dựa vào các yếu tố tích cực về thể chế, trình độ quản trị doanh nghiệp, kết quả ứng dụng khoa học công nghệ. Để làm được điều này, phải nhanh chóng tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm