Điểm đến Gia Lai

Thăm Di tích lịch sử cách mạng Khu 9

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Trung tuần tháng 3-2024, tôi cùng các thành viên nhóm thiện nguyện 50K TP. Pleiku về thăm Di tích lịch sử cách mạng Khu 9 (xã Gào, TP. Pleiku) và tặng quà cho bà con làng C.
  1. Chúng tôi thật sự bất ngờ về những gì trông thấy khi đến cây đa và “nhà truyền thống” của khu di tích. Cây đa cổ thụ vẫn sừng sững vươn lên bầu trời xanh trong của tháng 3 Tây Nguyên, tỏa bóng mát rợp cả một vùng bên dưới hàng trăm mét vuông. Đúng là nơi lý tưởng cho những ai thích trải nghiệm, khám phá làm điểm dừng chân. Thế nhưng...

Cách bên dưới cây đa một đoạn đường dốc không xa, ngôi nhà sàn làm bằng vật liệu rẻ tiền, thiết kế đơn giản do xã phối hợp với Thành Đoàn TP. Pleiku xây dựng nhằm lưu giữ các kỷ vật một thời xưa cũ. Trong nhà, chúng tôi thấy có 2 chiếc ghế salon, trên vách treo 1 bằng khen, 1 huân chương và bức ảnh chụp nhiều người.

Tôi nhận ra trong ảnh có chú Lê Tiến Hồng-nguyên Bí thư Khu 9. Chú Hồng đề tặng cho xã. Nói chung là các loại bằng, ảnh không còn đọc được chữ, nhìn rõ người bởi phai mờ, hư hỏng. Dưới sàn nhà, rác và bụi phủ một lớp khá dày, gần như từ lâu không có người đến đây.

Cây đa cổ thụ trong Di tích lịch sử cách mạng Khu 9. Ảnh: Đ.M.P

Cây đa cổ thụ trong Di tích lịch sử cách mạng Khu 9. Ảnh: Đ.M.P

Dưới gốc cây đa và suối đá bên dưới là nơi đặt vị trí liên lạc, gặp gỡ giữa bà con xã Gào năm xưa với cán bộ Khu 9, cũng là nơi ẩn mình của cán bộ, chiến sĩ. Phía bên dưới là con suối đá khá lớn, có nhiều hang động, thác nước (giờ thì không còn nhiều nước).

Di tích lịch sử này dù được công nhận từ lâu, nhưng gần như lâu nay không được quan tâm đầu tư, bảo vệ và khai thác như kỳ vọng là “nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”.

Dưới gốc cây đa, những người tham quan thiếu ý thức vứt xả các loại rác bừa bãi, mất mỹ quan. Có mấy bát nhang chỏng chơ bên những tảng đá. Lưng chừng cây đa có gắn biển bằng tôn, ngẫm mãi thì hiểu ra dòng chữ “Di tích lịch sử...”.

Chúng tôi được biết, xã Gào có 112 liệt sĩ đã hy sinh trong các trận chiến đấu ác liệt với quân thù được khắc tên trên bia đá ở Nhà tưởng niệm liệt sĩ tại làng C, có 88 liệt sĩ là người tại chỗ và rất nhiều người là thương binh, bệnh binh đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường này. Bảo vệ, khai thác các “địa chỉ đỏ” ấy cho mục đích giáo dục truyền thống, du lịch tâm linh là điều nên làm!

Cách cây đa không xa lắm là thác nước, có người gọi là thác Ba Tầng. Khi thấy chúng tôi hỏi thăm đường đến thác, bà con bảo mùa mưa có nước, thác đổ rất đẹp, nhưng mùa khô thì không còn nước, một phần do rừng không còn và bà con bơm tưới cây trồng nên suối đã cạn kiệt. Tuy thế, vẫn có khách đến tham quan. Vấn đề là ở đây quá mất vệ sinh, rác ngập thành bãi, dù trên mấy thân cây ai đó đã dán giấy có nội dung khuyến cáo mọi người đừng xả rác.

Xã Gào cách trung tâm Pleiku không xa. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là căn cứ của Ban cán sự Khu 9. Nhân dân xã Gào kiên cường, bất khuất và thủy chung với Đảng, với cách mạng đã che chở, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ. Dù địch không biết bao nhiêu lần càn quét, bắt bớ, dồn dân lập ấp... nhưng bà con xã Gào “một tấc không đi, một ly không rời”.

Xã Gào 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (1 lần cho Đội An ninh vũ trang, 1 lần cho Nhân dân, cán bộ và xã Gào). Sau giải phóng không lâu, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội của ta như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã về thăm, để lại biết bao kỷ niệm đẹp, thể hiện sự quan tâm, động viên đối với bà con ở vùng đất kiên cường, thủy chung và anh hùng này.

Ngày nay, tuy còn khó khăn, nhưng đời sống của bà con xã Gào cũng đã dần được cải thiện. Chủ trương của thành phố là giao cho các tổ dân phố thuộc một số phường kết nghĩa, giúp đỡ bà con một số mặt, điều đó đáng ghi nhận. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có một chương trình đầu tư, hỗ trợ đúng mức cho bà con dân tộc thiểu số ở đây theo các đề án về dân tộc và miền núi.

Đặc biệt, truyền thống cách mạng của xã Gào Anh hùng nhất định phải được phát huy và gìn giữ cho con cháu đời đời biết ơn. Cụ thể là Di tích lịch sử cách mạng Khu 9 cần được xây dựng, bảo vệ, chăm sóc, khai thác cho mục đích giáo dục, tuyên truyền, cổ vũ động viên các thế hệ hôm nay và mai sau thật tốt.

Đem vấn đề này trao đổi cùng anh Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku thì được anh cho biết: Thành phố đang triển khai lập quy hoạch chi tiết Di tích lịch sử cách mạng Khu 9. Sau khi được phê duyệt sẽ đầu tư xây dựng một số hạng mục, sau đó sẽ triển khai dần và có kế hoạch bảo vệ, khai thác hiệu quả.

Hy vọng công việc mà Bí thư Thành ủy nói trên sẽ hoàn thành trước lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975-30/4/2025), kịp đón mọi người về “địa chỉ đỏ”, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã ngã xuống cho đất nước thanh bình hôm nay.

Có thể bạn quan tâm