Đô thị

Nhịp sống Đô thị

“Thảm đỏ” thu hút đầu tư các dự án khu dân cư, khu đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Giai đoạn 2021-2025, Gia Lai đã kêu gọi đầu tư nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Kêu gọi đầu tư nhiều dự án

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), trên địa bàn tỉnh có 37 dự án đầu tư phát triển đô thị được các doanh nghiệp quan tâm, trong đó có 20 dự án phát triển mới, 17 dự án đang triển khai. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển đô thị vẫn còn một số hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh hiện đạt khoảng 31% và không đồng đều, chỉ tập trung ở các thị xã, thành phố. Một số dự án đầu tư phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tiến độ. Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Giám đốc Sở KH-ĐT-cho biết: “Nhằm huy động tối đa nguồn lực để từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thay đổi diện mạo địa phương, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân và những đối tượng khác, giai đoạn 2021-2025, tỉnh kêu gọi đầu tư hơn 10 dự án khu dân cư, khu đô thị”.

Cụ thể, trong Danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 đợt 1 theo Quyết định số 466/QĐ-UBND của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 21 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, 1/3 là các dự án khu dân cư, khu đô thị. Một số dự án có quy mô lớn như: Dự án khu đô thị sinh thái Trà Đa (TP. Pleiku) với quy mô dự kiến 53 ha; Dự án khu dân cư trung tâm huyện Ia Pa với quy mô dự kiến 9,9 ha; Dự án khu đô thị mới thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) với quy mô dự kiến 99 ha; Dự án khu đô thị mới đồi Độc Lập (thị trấn Chư Prông) có quy mô dự kiến 36 ha... Tiếp sau đó, theo Quyết định số 382/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2022-2025 đợt 2, tỉnh có thêm một số dự án khu dân cư, khu đô thị nữa được kêu gọi đầu tư như: Dự án khu đô thị thôn 3 (xã Diên Phú, TP. Pleiku) với quy mô gần 15 ha; Dự án khu biệt thự và nhà phố cao cấp (xã Trà Đa, TP. Pleiku) có diện tích 11 ha...

Dự án Tổ hợp siêu thị vật liệu nội thất và khu dân cư mới tại số 51 Lý Nam Đế (phường Trà Bá, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Dự án Tổ hợp siêu thị vật liệu nội thất và khu dân cư mới tại số 51 Lý Nam Đế (phường Trà Bá, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế thì việc huy động các nguồn lực tư nhân đầu tư phát triển đô thị là cần thiết. Hơn nữa, khi triển khai các dự án khu đô thị, khu dân cư bằng nguồn vốn nhà nước, đa phần sẽ chỉ dừng lại ở xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo đảm các yếu tố điện-đường-trường-trạm. Song để xây dựng một khu đô thị đảm bảo chất lượng phải đáp ứng được các tiêu chí như: cảnh quan xanh mát, kiến trúc thẩm mỹ và không gian sống chan hòa, có những điểm nhấn tiện ích sức khỏe như công viên, khu tập thể thao công cộng, đường đi bộ… Các nhà đầu tư có tâm, có tầm và có năng lực tài chính sẽ đáp ứng được yêu cầu đó. Vấn đề là phải làm sao để hấp dẫn được họ tìm đến đầu tư.

Phát huy vai trò của các ngành, địa phương

Việc kêu gọi đầu tư các dự án khu dân cư, khu đô thị không chỉ nhằm đẩy mạnh phát triển hạ tầng, thị trường bất động sản và tạo bộ mặt khu đô thị mà còn tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay: “Năm 2023, tỉnh dự kiến có 8 dự án được thực hiện đấu giá lựa chọn nhà đầu tư với số tiền sử dụng đất thu được là 570 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai các bước thủ tục; định kỳ hàng tuần, Sở KH-ĐT tổng hợp báo cáo tiến độ để UBND tỉnh xem xét chỉ đạo và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án”.

Ngày 6-4-2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình số 52-CTr/TU ngày 18-1-2023 của Tỉnh ủy về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tỉnh phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 35% theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra; dự kiến đến năm 2030 đạt 40% và đến năm 2045 đạt 50%.

Gia Lai hiện có 37 dự án đầu tư phát triển đô thị được các doanh nghiệp quan tâm. Ảnh: Quang Tấn

Gia Lai hiện có 37 dự án đầu tư phát triển đô thị được các doanh nghiệp quan tâm. Ảnh: Quang Tấn

Để đạt được chỉ tiêu này, UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp cụ thể, trong đó có giải pháp phát triển dân số đô thị, thu hút dịch chuyển dân cư từ nông thôn đến khu vực thành thị. Theo đó, tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, các dự án phát triển đô thị, các khu chức năng đô thị, phát triển lĩnh vực dịch vụ-du lịch, thương mại, công nghiệp gắn với đô thị để thu hút nguồn nhân lực, thu hút khách du lịch, nguồn lao động... nhằm mục đích tăng dân số cơ học, dân số quy đổi cho khu vực đô thị. Tỉnh sẽ chú trọng xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ, phát triển đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực đầu tư; xây dựng hệ thống khung pháp lý rõ ràng, có tính định hướng cho các nhà đầu tư có cơ sở tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Theo kế hoạch, Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh trong công tác lập, phê duyệt và quản lý các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, đảm bảo định hướng phát triển đô thị theo mục tiêu đề ra. Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Bá Thạch cho hay: “Từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Sở tập trung xây dựng, tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn thành cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng toàn tỉnh, đẩy mạnh công tác lập quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, làm cơ sở định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, hoàn thành quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, Sở phối hợp, định hướng cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trong đầu tư hạ tầng các khu chức năng như du lịch, công nghiệp, nghiên cứu, đào tạo... để hướng đến nền kinh tế xanh và tạo động lực phát triển kinh tế đô thị”.

Một góc Khu đô thị Cầu Sắt (xã Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Một góc Khu đô thị Cầu Sắt (xã Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Ngày 11-3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đến ngày 3-4, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có công văn hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Theo đó, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi thuộc Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Đây thực sự là tín hiệu vui, vừa là cơ hội cho các nhà đầu tư có thêm nguồn vốn ưu đãi để triển khai thực hiện dự án, vừa là cơ hội để người thu nhập thấp có nhà, đồng thời giúp tỉnh giải quyết được vấn đề phát triển đô thị.

Có thể bạn quan tâm