(GLO)- Sáng 6-4 vừa qua, tại Di tích Quốc gia đặc biệt “Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc”-thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc-tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm “Ngày chiến thắng trở về” (1973-2018).
Ảnh: B.H |
Hơn 1.500 chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hiện sinh sống ở hầu khắp các địa phương trong cả nước đã về dự. Về dự Lễ và gặp mặt nhân dịp này có Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cũng là với tư cách cựu tù “Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc”. Có 30 người đại diện Hội cựu tù chính trị Gia Lai, trong đó có nhiều người đã từng bị địch giam giữ ở Phú Quốc cũng đã về dự và viếng Nghĩa trang liệt sỹ Phú Quốc, thắp nén nhang tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sỹ tại đây.
Ông Mai Văn Huỳnh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang xúc động ôn lại truyền thống “không cúi đầu khuất phục trước kẻ thù, biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, Mỹ-ngụy đã xây dựng trên đảo Phú Quốc một trại giam tù binh lớn nhất miền Nam.
Ảnh: B.H |
Tại đây, có lúc chúng giam cầm, tra tấn dã man như thời Trung cổ gần bốn vạn cán bộ, chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước của chúng ta. Những đòn roi tra tấn dã man của chúng đã không lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của những người tù cách mạng. Cũng tại nhà tù này, chúng đã thủ tiêu hơn 4.000 cán bộ chiến sỹ cách mạng, trong đó có hàng ngàn người cho đến nay vẫn chưa thể tìm thấy hài cốt, chưa xác định được tên tuổi, mộ phần.
Sau buổi lễ long trọng và ý nghĩa, các cựu tù đã kính cẩn dâng hương cho các đồng đội đã ngã xuống tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt “Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc” và giao lưu, trao đổi, ôn lại những kỷ niệm một thời đấu tranh đẩm máu với kẻ thù trong ngục tù những năm xưa và những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống thường nhật ngày nay… và thăm lại các phòng giam, những nơi, những hiện vật mà kẻ thù đã dùng tra tấn tù binh…
Bích Hà