TN - Đất & Người

Thăm lại "Trái tim kháng chiến"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi may mắn đi cùng đoàn hơn 200 người là cán bộ lão thành, cán bộ từng sinh sống, công tác, chiến đấu tại căn cứ cách mạng xã Krong, huyện Kbang về thăm lại vùng đất này. “Thị trấn Dân Chủ” huyền thoại một thời, ngày nào gian nan cách trở giờ xe chạy bon bon đến tận nơi.

Về thị trấn Dân chủ

Sáng cuối Xuân, đoàn chúng tôi xuất phát từ trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai thẳng hướng Đông Trường Sơn về nơi đã đưa ra những mệnh lệnh khánh chiến hữu hiệu trên địa bàn Gia Lai suốt 20 năm (1955-1975). Cuối tháng 3, Tây Trường Sơn đã nắng cháy da, song bên Đông, dọc dài những khu rừng Kbang hoa nở thơm lừng ban mai. Đường Trường Sơn Đông đoạn qua Kbang đã hoàn thành, đường về cứ hầu hết đã trải nhựa, vì thế hành trình nhọc nhằn ngày nào đã tan biến. Hơn 150 km xưa kia đi gần một ngày giờ chỉ chưa đầy 4 giờ xe đã đến nơi.

 

Cán bộ lãnh đạo của tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ tại căn cứ K10. Ảnh: H.T
Cán bộ lãnh đạo của tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ tại căn cứ K10. Ảnh: H.T

Ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, người đã có nhiều năm sống và làm việc ở căn cứ này, năm nay đã ngoài 80 tuổi, được trở lại chiến trường xưa không khỏi bùi ngùi, xúc động lần tìm từng gốc cây, hốc đá năm nào. Ông chỉ cho chúng tôi vị trí nơi ông đứng là căn nhà làm việc của đồng chí Đẳng (Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Bình)-nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, kia là căn hầm trú ẩn của đồng chí Bí thư, xa xa hơn 50 mét là hội trường Tỉnh ủy, này là Ban An ninh, Ban Dân vận… các cơ quan đầu não của tỉnh bao quanh khu căn cứ rộng chừng 1 ha cạnh con suối Đak Bơ Bưng thượng nguồn sông Ba. Thị trấn Dân Chủ cách đây hơn 7 km. Ngày đó, rừng mênh mang nhưng lòng dân một lòng theo cách mạng. Vì thế, “trái tim kháng chiến” của Gia Lai trước mặt là đồn Ka Nak, sau lưng là đồn Măng Đen chỉ tầm 20 cây số, bên hông là quốc lộ 19 chưa đầy 40 km đường chim bay mà địch không có cách gì phát hiện và tiêu diệt được. Cơ quan của Tỉnh ủy tấp nập người qua lại. Đây còn là hành lang Đông-Tây, Nam-Bắc của Quân khu 5. Trên tuyến đường này, bộ đội ta rầm rập vào Nam, có lúc lên đến mấy ngàn bộ đội, song vẫn tuyệt đối an toàn. Nhiều lần địch cho máy bay thăm dò, ném bom, càn quét, lấn chiếm, cho biệt kích nhảy dù, tung cả gián điệp do thám song không hề tìm được dấu vết, đành bất lực.

Bà Võ Thị Hạnh-nguyên cán bộ cấp dưỡng trong kháng chiến chống Mỹ tại Krong bồi hồi nhớ lại: Cây xoài này hồi đó còn nhỏ, ra trái rất nhiều, chúng tôi hái để phục vụ trong nhiều bữa cơm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tôi rất nhớ cây xoài này. Cũng từ chỗ này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức đám cưới cho vợ chồng tôi… Về Krong lần đó có những người tìm về nơi chôn nhau cắt rốn của mình như chị Nguyễn Thị Thanh Thủy-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, chị Phạm Thị Tố Hải-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Gia Lai… Một thế hệ cán bộ “sinh ra ở cứ” giờ đã trưởng thành, giữ trọng trách ở tỉnh, nối tiếp thế hệ cách mạng cha ông.

Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng

“Thị trấn Dân Chủ” là cách gọi thân thương của người trong cuộc về một trung tâm đầu não sầm uất của cách mạng ở Krong. Bây giờ, “thị trấn Dân Chủ” là trung tâm của xã Krong, đã khang trang dần với điện lưới quốc gia, đường bê tông, các trạm viễn thông liên lạc, internet, ti vi... Cuộc sống của gần 100% đồng bào trong xã là người Bahnar đã được cải thiện đáng kể. Con em họ từ tiểu học đến THPT được Nhà nước đài thọ miễn phí 100% việc ăn học theo hệ thống trường dân tộc nội trú (hoặc bán trú).

Ông Đinh Kreng-Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Được sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh, huyện nên đời sống của người dân Krong đang dần dần thay đổi. Dân đã biết trồng cà phê, bời lời, đậu, bắp các loại để thành cây hàng hóa, phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, chắc chắn đời sống người dân và bộ mặt của các buôn làng trong xã sẽ đổi thay. Trường Tiểu học Bán trú xã Krong trở thành một trong số ít trường điểm của Gia Lai về công tác giáo dục-đào tạo. Đến với ngôi trường tiểu học vùng sâu, vùng xa này, nhìn cảnh vật, cơ ngơi, sự ngăn nắp, nền nếp chúng ta có quyền hy vọng đến một tương lai tươi sáng đối với những thế hệ ươm mầm từ nơi này.

Đồng chí Dương Văn Trang-ngày đó còn là Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai xúc động nghẹn ngào khi phát biểu với các vị cán bộ lão thành và thế hệ trẻ tại khu căn cứ Khu 10: Đến với khu căn cứ cách mạng Krong, chúng ta càng tự hào hơn về một vùng quê còn nhiều khó khăn nhưng giàu lòng yêu nước, kiên cường, bất khuất. Bằng những việc làm thiết thực, tỉnh sẽ từng bước đầu tư để khôi phục, tôn tạo lưu giữ các di tích cách mạng Krong để luôn trở thành địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống và tiếp sức cho đồng bào Krong ngày càng có cuộc sống ấm no sung túc hơn.

Hoàng Thắng

Có thể bạn quan tâm