Chính trị

Thăm nơi Bác Hồ bị giam giữ tại Hồng Kông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Chuyến du lịch của chúng tôi đến Đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) mới đây đúng vào những ngày mưa gió tầm tã. Trong suốt lịch trình bận rộn của tour, tôi và Phó Giáo sư-Tiến sĩ Huỳnh Thị Gấm bảo nhau hãy dành 1 ngày để tìm và thăm nơi đã giam giữ Bác Hồ trên đảo Hồng Kông cách đây gần 1 thế kỷ.

Hành trình tìm kiếm

Tháng 2-1930, tại bán đảo Cửu Long (Hồng Kông, lúc này là thuộc địa của Anh), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất Đảng, đánh dấu sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau đó, Đảng ta bị thực dân Pháp khủng bố vô cùng khốc liệt nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Quốc tế Cộng sản. Từ nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thường xuyên gửi thư về cho Trung ương Đảng ở trong nước để uốn nắn, trao đổi một số vấn đề quan trọng như việc giữ bí mật, bảo vệ cán bộ…

Từ ngày 12-2-1931, Nguyễn Ái Quốc đã cảm thấy có dấu hiệu bị theo dõi. Người viết thư mật báo lên Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Thượng Hải. Sáng sớm ngày 6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc với tên gọi Tống Văn Sơ bị cảnh sát Anh bắt tại nhà số 186 Tam Kung, Cửu Long, Hồng Kông cùng một nữ đồng chí. Lúc này, cảnh sát Anh không biết Tống Văn Sơ chính là Nguyễn Ái Quốc. Từ năm 1931 đến 1933, Bác Hồ kính yêu của chúng ta bị giam ở một nhà tù của Hồng Kông.

Một góc Tòa nhà di sản Tai Kwun-nơi có di tích Nhà tù Victoria. Đây là nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị giam giữ từ năm 1931 đến 1933. Ảnh: K.V

Một góc Tòa nhà di sản Tai Kwun-nơi có di tích Nhà tù Victoria. Đây là nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị giam giữ từ năm 1931 đến 1933. Ảnh: K.V

Trên xe di chuyển từ Sân bay Hồng Kông về khách sạn ở bán đảo Cửu Long, chúng tôi hỏi Ly-Hướng dẫn viên bản địa, là một người Việt gốc Hải Phòng, sang Hồng Kông định cư từ lúc 5 tuổi-về nơi giam giữ Bác Hồ tại Hồng Kông, cô gái lắc đầu: “Cháu không biết!”. Nhưng thấy chúng tôi tha thiết muốn tìm, Ly nói có thông tin gì thì đưa cho và hứa để về rồi hỏi giúp.

Chúng tôi chuyển cho Ly vài hình ảnh một tòa nhà, do đồng nghiệp của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Huỳnh Thị Gấm cung cấp, cùng thông tin đó là nơi đã giam giữ Bác Hồ tại Hồng Kông. Sau một ngày đêm, Ly chuyển vào Zalo cho chúng tôi một địa điểm là tòa nhà Tai Kwun (Đại Quán) đã được ghim trên Google map cùng lời dặn: Khi nào đi, các cô xuống sảnh khách sạn đón taxi, đưa cho lái xe địa điểm này, họ sẽ đưa các cô tới. Tiền xe đi và về khoảng 400 HKD (khoảng 1,3 triệu đồng).

Buổi sáng chúng tôi đi tìm nơi đã giam giữ Bác, do ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 2, Hồng Kông mưa không ngớt, đất trời tối sầm. Ăn sáng xong, chúng tôi xuống sảnh khách sạn Nina Hotel Tsuen Wan West (quận Thuyền Loan) để bắt đầu hành trình kiếm tìm. Tới bên một chiếc taxi đỏ truyền thống-loại taxi phổ biến trong các đô thị Hồng Kông, tôi chìa điện thoại, trên màn hình có mở sẵn địa điểm đã được định vị cho bác tài khoảng trên 60 tuổi và nói muốn đến đây.

Sau khoảng nửa giờ ngồi xe, vượt cầu treo Thanh Mã (cầu treo lớn nhất châu Á) và đường hầm vượt biển nối bán đảo Cửu Long với đảo Hồng Kông, chúng tôi được đưa vào khu vực trung tâm của đảo Hồng Kông. Trong mưa, những ngôi nhà chọc trời và các đại lộ lùi dần, chiếc taxi chở chúng tôi len lỏi qua những con đường nhỏ, dốc cao, chật chội bởi nhà cửa vây sát. Cuối cùng, bác tài thả chúng tôi xuống giữa một con dốc hẹp và nói: Nơi các bạn cần đến ở gần đây.

Giữa trời mưa, chị em tôi bật dù lên che rồi nhìn quanh, nhưng không có tòa nhà nào giống tòa nhà trong tấm hình mà chúng tôi đã thấy. Nhìn sang bên trái, có một nơi giống khu sinh hoạt văn hóa dành cho thiếu nhi, chúng tôi bước vào và thầm hy vọng đây là nơi mình cần tìm. Đi một vòng trong sân, chưa thấy tín hiệu nào chỉ dẫn địa điểm này đã từng là một nhà tù thì gặp một căn phòng nhỏ, đề trước cửa là phòng lễ tân. Chưa kịp mừng vì có chỗ để hỏi thăm thì chúng tôi biết đó là căn phòng trống.

Vừa ra khỏi căn phòng, chúng tôi may mắn gặp một nam thanh niên tầm tuổi học sinh trung học. Công cuộc hỏi thăm của chúng tôi được bắt đầu bằng thứ tiếng Anh chưa thật thông thạo, cộng với cả việc “nhờ” ông Google giúp dịch từ tiếng Việt sang tiếng Quảng Đông.

Ban đầu, chúng tôi hỏi về nơi giam lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, cậu thanh niên lắc đầu. Tôi bật tiếp các từ khóa: “Hồ Chí Minh”, “Tống Văn Sơ”, “Việt Nam”, đồng thời đưa ra hình ảnh Bác Hồ tại nhà tù Hồng Kông. Lúc này, cậu bé có vẻ đã mang máng hiểu. Trao đổi thêm một lúc bằng mọi cách có thể, chúng tôi được biết, tòa nhà mà mình muốn tìm có địa chỉ tại số 10 đại lộ Hollywood. Từ chỗ chúng tôi đang đứng, đi bộ qua vài con phố là tới.

Sau gần 1 giờ đồng hồ tìm kiếm trong gió mưa, chúng tôi vỡ òa vì vui khi nhìn thấy khối nhà vuông, có màu xám của đá granite và màu hồng của gạch. Đây chính là hình ảnh mà chúng tôi đã quá quen vì đã nhìn ngắm qua tấm hình trong điện thoại suốt mấy ngày qua. Trên thực tế, lối vào tòa nhà này không nằm trên địa chỉ số 10 Hollywood, mà ở giữa con dốc có vẻ bí hiểm, tại số 16 đường Old Bailey. Đến gần tòa nhà, chúng tôi đọc được trên tường dòng chữ nhỏ “prison wall” (bức tường nhà tù) bị mất nhiều nét nên có thêm hy vọng.

Vỡ òa khi gặp hình ảnh Bác

Dù không thấy biển chỉ dẫn nào nhưng chúng tôi vẫn đi liều qua cổng, theo lối cầu thang lên tầng 2. Thấy căn phòng bên trái mở cửa, chúng tôi vào hỏi thăm. Người gác cửa lắc đầu có vẻ như không hiểu chúng tôi muốn gì, rồi chỉ sang cô gái ngồi ở bàn lễ tân. Sau khi nghe trình bày, hiểu ra mục đích tìm kiếm của chúng tôi, cô gái gật đầu và nói chúng tôi đã đến đúng chỗ. Cô dời chỗ ngồi, dẫn chúng tôi ra khoảng sân phía trước, chỉ chiếc cầu thang lộ thiên ở phía bên trái bảo chúng tôi đi.

Xuống hết cầu thang, một hành lang hun hút hiện ra, nhưng không một bóng người. Chúng tôi ngược lên, đi qua khoảng sân, rồi rẽ đại vào dãy nhà bên trái. Ở đây có rất nhiều phòng nhỏ xíu như kiểu xà lim buồng giam, bên trong mỗi phòng nhỏ này đều trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến tù nhân và đồ dùng thường thấy trong các nhà tù. Tuy nhiên, đi hết các phòng giam ở dãy này, chúng tôi vẫn không tìm thấy hình ảnh, hiện vật gì liên quan đến Bác.

Lúc đã bắt đầu thất vọng, tôi “túm” được một người có vẻ là hướng dẫn viên của một đoàn khách du lịch để hỏi thăm. Anh dẫn chúng tôi trở lại cái cầu thang lộ thiên mà lúc nãy đã từ đó lên. Đi đến cuối con đường hun hút, rẽ trái thì hiện ra một cánh cửa bằng song sắt, anh chàng chỉ chúng tôi vào đấy. Nhìn lên, tôi thấy trước phòng này có dòng chữ “B.HALL”. Đây là ngôi nhà 3 tầng, các tầng nối với nhau bằng hệ thống cầu thang sắt. Bên trong mỗi tầng có 2 dãy xà lim.

Tác giả bên chiếc tủ kính trưng bày hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những hiện vật liên quan tại xà lim số 2, di tích Nhà tù Victoria. Ảnh: K.V

Tác giả bên chiếc tủ kính trưng bày hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những hiện vật liên quan tại xà lim số 2, di tích Nhà tù Victoria. Ảnh: K.V

Phụ trách khu vực này là một phụ nữ trung niên. Khi chúng tôi hỏi thăm và đưa cho chị xem tấm hình Bác Hồ lúc ở một nhà tù tại Hồng Kông, chị xúc động, gật đầu rồi nói: “Đúng là người này đã bị giam tại đây-Nhà tù Victoria. Chúng tôi không thể chắc chắn là ông ấy đã bị giam trong xà lim nào. Nhưng nơi này có trưng bày hình ảnh và một số thứ liên quan đến ông ấy”.

Nói xong, chị nhiệt tình đưa chúng tôi đến một xà lim có diện tích chỉ khoảng 1,5x2 m, cao 3 m, nằm ở phía bên phải, ngay tầng trệt của dãy nhà. Phía trước cửa, tôi nhìn thấy số 2 (có lẽ là số của xà lim). Cả buồng giam ngột ngạt chỉ có một cửa sổ hình trăng khuyết ở tít trên cao.

Nhìn quanh, chị em tôi vô cùng mừng rỡ khi ánh mắt chạm vào bức ảnh Bác lúc ở trong tù kèm họ tên tù nhân Tống Văn Sơ (bằng chữ Hán) trước ngực. Đây là bức ảnh được trưng bày khá nhiều trong hệ thống bảo tàng trong nước. Tấm ảnh này được trưng bày trong một tủ kính áp sát bức tường trong cùng của xà lim. Rìa cạnh tủ, trên hệ thống etiket có nội dung: “4. Ảnh chụp lúc Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh 1890-1969) bị bắt ở Hồng Kông”. Nguồn: Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại (Pháp).

Cùng trưng bày trong tủ này, trước ảnh Tống Văn Sơ, còn có ảnh một tù nhân được chú thích là Đại Vương Thư (1905-1950); ảnh người phạm tội bị xiềng xích; và một số hiện vật của nhà tù được phục chế như: còng tay, ổ khóa tù, chìa khóa…

Sau khi chụp ảnh và nghiên cứu kỹ tư liệu, chúng tôi nhờ chị phụ trách khu di tích chụp cho vài tấm hình, đồng thời xin được chụp hình kỷ niệm cùng chị. Chị vui vẻ nhận lời (rất tiếc là chúng tôi đã vội vàng mà quên chụp tấm bảng tên chị).

Vui vì đã đạt được mục đích nhưng cũng thấm mệt sau hành trình lội bộ nhiều, bắp chân bị giãn tĩnh mạch của tôi bắt đầu nhức… chúng tôi quyết định rời tòa nhà di sản Tai Kwun để trở về khách sạn. Sau này tôi mới biết, dù đã đến được tòa nhà Tai Kwun rồi, nhưng việc tìm đến nơi Bác bị giam giữ vẫn khó khăn là bởi, Tai Kwun bây giờ là một trung tâm di sản và nghệ thuật có diện tích khoảng 13.600 m2, bên trong sở hữu 16 tòa nhà di sản, trong đó có những di tích quan trọng như: Đồn cảnh sát Trung Hoàn cũ, Tòa án Trung Hoàn và Nhà tù Victoria.

Mặt khác, có lẽ do trước khi đi, việc chuẩn bị tư liệu của chúng tôi chưa tốt. Những điều mà chúng tôi biết về nơi giam giữ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông không trùng với những gì mà người Hồng Kông biết về địa điểm này, làm cho việc tìm kiếm trở nên khó khăn hơn.

Từ tòa nhà di sản Tai Kwun trở về, chúng tôi trao đổi với hướng dẫn viên về việc lưu lại những thông tin quý giá về nhà tù đã giam giữ Bác Hồ tại Hồng Kông và đề nghị đưa thêm nội dung này vào thuyết minh để giới thiệu với các đoàn khách của Việt Nam đến nơi này.

Có thể bạn quan tâm