Pháp luật

Tin tức

Tham ô tài sản tại Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tòa án nhân dân TP. Pleiku vừa có quyết định trả hồ sơ vụ án “Tham ô tài sản” để điều tra bổ sung, làm rõ hành vi có dấu hiệu hình sự của ông Lê Huy Toàn-nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT).  
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Pleiku, từ năm 2013 đến 2017, Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản được UBND tỉnh cấp kinh phí để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình khuyến nông. Đầu năm 2018, Thanh tra tỉnh phát hiện đơn vị này có nhiều sai phạm trong việc sử dụng các nguồn kinh phí được cấp, trong đó có dấu hiệu lập khống các chứng từ, hóa đơn để chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước. Sau đó, Thanh tra tỉnh đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku để điều tra làm rõ.
Qua điều tra, Công an TP. Pleiku xác định: Năm 2016, Phan Ngọc Tiến-cán bộ chuyên môn của Phòng Quản lý-Đo lường chất lượng (Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản) được ông Toàn phân công chủ trì thực hiện mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP thuộc chương trình khuyến nông năm 2016 tại xã An Phú, TP. Pleiku. Để thực hiện mô hình, Chi cục hỗ trợ cây giống cà chua, phân bón cho 10 hộ dân trồng trên diện tích 2,35 ha. Tuy nhiên, các hộ dân đề nghị được cung cấp hạt giống cà chua thay vì cây giống để chủ động trong việc gieo trồng. Tiến báo cáo lại việc này với lãnh đạo phòng và ông Toàn. Sau đó, ông Toàn chỉ đạo hỗ trợ theo yêu cầu của người dân và bám sát dự toán đã được phê duyệt. Tiến đến cửa hàng vật tư nông nghiệp của bà N. (xã An Phú) khảo sát giá hạt giống, phân bón, vật tư để làm cơ sở cho việc cân đối số lượng cấp phát cho các hộ dân. Qua khảo sát giá, Tiến tự cân đối số lượng hạt giống cà chua cấp phát cho các hộ dân tham gia mô hình là 465 gram nhưng đề nghị bà N. xuất hóa đơn là 18.480 cây giống với giá 25,8 triệu đồng. Sau khi Chi cục làm hồ sơ thanh toán, chuyển tiền cho bà N, Tiến đến nhà bà này lấy số tiền chênh lệch là 11,4 triệu đồng. Lúc làm hồ sơ quyết toán, Nguyễn Thị Hoài Thu-Kế toán trưởng Chi cục biết rõ việc làm của Tiến không đúng quy định, gây thất thoát tiền của Nhà nước. Tuy nhiên, khi nghe Tiến nói đã được ông Toàn đồng ý thì Thu hướng dẫn để Tiến thực hiện khống các bước nhằm hợp thức hóa hồ sơ.
Trụ sở của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh. Ảnh: Lê Anh
Trụ sở Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản tỉnh. Ảnh: Lê Anh
Trong quá trình điều tra vụ án, Tiến khai việc thay đổi từ cấp cây giống cà chua sang cấp hạt giống cho các hộ dân tham gia mô hình và lập khống hóa đơn quyết toán để chiếm đoạt số tiền chênh lệch là có sự đồng tình, chỉ đạo của ông Toàn. Trong quá trình khai báo, Tiến cũng đã giao nộp cho Cơ quan Điều tra 1 USB và một số bằng chứng liên quan đến việc ông Toàn đồng tình và chỉ đạo Tiến thực hiện việc lập khống chứng từ. Tuy nhiên, qua điều tra và trưng cầu giám định các bằng chứng do Tiến đưa ra không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Toàn. Do vậy, Cơ quan Điều tra không có đủ cơ sở để xem xét, xử lý đối với ông Toàn về vai trò đồng phạm với Tiến và Thu trong vụ án này. Đến tháng 7-2021, Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản giải thể, ông Toàn được điều động làm chuyên viên của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT).
Khi Tòa án nhân dân TP. Pleiku đưa vụ án “Tham ô tài sản” ra xét xử sơ thẩm đối với 2 bị cáo Phan Ngọc Tiến, Nguyễn Thị Hoài Thu thì Tiến tiếp tục khai và đưa ra bằng chứng việc ông Toàn có chỉ đạo lập khống hồ sơ chứng từ để chiếm đoạt tiền ngân sách. Nhận thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên thẩm phán Trần Văn Thưởng đã ký quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung về hành vi của ông Toàn.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm