Kinh tế

Tham vấn xây dựng nghị định Luật Lâm nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 4-5, tại khách sạn Pleiku Palace, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Gia Lai (GUSTA) tổ chức hội thảo “Phổ biến Luật Lâm nghiệp và tham vấn nghị định thi hành luật ở Tây Nguyên”.
 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Diệp
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Diệp
Tham dự có ông Kpă Thuyên-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng hơn 70 đại biểu đại diện Tổng cục Lâm nghiệp; các cơ quan của tỉnh; các đơn vị nghiên cứu, tổ chức xã hội, các chủ rừng và cộng đồng bảo vệ rừng tại các tỉnh Tây Nguyên.
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có từ năm 2004 là cơ sở pháp lý quan trọng với mục tiêu chuyển đổi kinh tế lâm nghiệp từ khai thác rừng tự nhiên sang phục hồi, bảo vệ rừng tự nhiên và rừng trồng, đồng thời gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với vai trò môi trường sinh thái và an sinh xã hội. Nhờ đó, diện tích rừng của cả nước tăng từ 12.306 triệu ha, độ che phủ từ 37%  vào năm 2004, lên 14.377 triệu ha, độ che phủ trên 41% vào năm 2017.
Tuy nhiên, hiện nay một số quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 chưa thể bắt kịp với yêu cầu và xu thế phát triển, nhất là tình trạng chặt phá lấn chiếm rừng và đất rừng ngày càng gia tăng. Trong khi hiệu quả sản xuất kinh doanh lâm nghiệp thấp, thu nhập của người dân sinh sống gần rừng còn thấp và chưa được hưởng lợi nhiều, hiện có hơn 66,8% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo và nghèo kiệt. Để giải quyết tình trạng này Quốc hội thông qua Luật Lâm nghiệp và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.  
Để luật sớm đi vào thực hiện, Ban soạn thảo thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng một số dự thảo nghị định và thông tư có tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan để có cái nhìn toàn diện, khách quan trong quá trình xây dựng các văn bản dưới luật.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận về nội dung cơ bản của Luật Lâm nghiệp 2017; Tổng quan về dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; hiện trạng rừng Tây Nguyên; tình hình tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại Tây Nguyên; đóng góp của các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng Luật Lâm nghiệp 2017… Trên cơ sở này, các đại biểu đã đưa ra các khuyến nghị cho dự thảo xây dựng nghị định và đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng hiệu quả tại các tỉnh Tây Nguyên gắn với Luật Lâm nghiệp.
Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm