TN - Đất & Người

Thăm xã nông thôn mới Tân An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tân An là xã đầu tiên của huyện Đak Pơ đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2015 (theo Bộ tiêu chí cũ) vào năm 2013. Với tâm trạng háo hức, chúng tôi vừa có dịp “mục sở thị” vùng nông thôn mới này.

Ngồi sau xe anh Nguyễn Văn Thanh-Phó Chủ tịch HĐND xã “vi vút” trên con đường bê tông rộng rãi, phẳng phiu dọc các thôn Tân Sơn, Tân Phong, Tân Hội, Tân Tụ đến với cánh đồng mía, ruộng nước, ruộng rau, trạm bơm nước… tôi được tận mắt thấy sự thay đổi nơi vùng quê một thời nghèo khó này. Nắng tháng 6 hiu nhẹ trong gió sớm mơn man đưa làn hơi nước mát lành sau cơn mưa đầu mùa ồn ã. Hai bên đường ngăn nếp những ngôi nhà mái bằng, mái ngói tường xây kiên cố ẩn hiện tán cây ăn trái, vườn rau xanh mượt. Mùi phân bò nồng nồng, ngai ngái len len lan tỏa gợi nhớ quê nhà, nồng nàn hương ký ức.

 

Cánh đồng Tân An đang vào vụ xuống giống. Ảnh: Đ.P
Cánh đồng Tân An đang vào vụ xuống giống. Ảnh: Đ.P

Chúng tôi đến thăm nhà anh Lê Văn Toàn-Trưởng thôn Tân Hội. Bên ly trà, anh hào hứng câu chuyện làm ăn của người dân thôn mình: “Bà con ở đây luôn tiên phong thực hiện mô hình kinh tế mới. Đầu tiên là việc thụ tinh cho bò, từ hơn 10 năm trước. Biết là tỷ lệ đậu thai chỉ đạt 30%, lại phải giữ nhốt con cái khi đến kỳ động dục cực đấy nhưng vẫn làm, đông đảo người cùng tham gia làm, thế mới được đàn bò lai đẹp như hiện giờ. Rồi đến cây mía, cánh đồng mía lớn ra đời từ vụ Đông Xuân 2014, với tổng diện tích 202 ha, tiếp nhận luôn giống mía mới K95-84 cho năng suất 12 tấn/sào chứ theo giống mía cũ, ruộng thửa manh mún, thu hoạch kẻ trước người sau năm được mùa lắm cũng chỉ đến 7 tấn/sào. Đến nay, bà con đã mở rộng diện tích lúa nước lên 49,8 ha. Đang mùa sạ cấy, rộn ràng lắm. Uống xong ly nước rồi mời cô mục sở thị. Đi bằng xe máy luôn, chân không dính bùn đâu”.

Bác Trưởng thôn lên xe máy dẫn đường nhanh và rất “lụa” trên những con đường nội đồng khá bằng phẳng, rộng thênh. “Đường trục chính nội đồng của cả xã là 70,5 km; được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện được 61,33 km. Theo kế hoạch, đến năm 2018 sẽ cứng hóa 100%, đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí mới”-anh Thanh ngoái đầu nói chuyện. Mở ra trước mắt chúng tôi bát ngát cánh đồng đang mùa xuống giống, nhịp độ làm việc hối hả. Tôi dừng lại khá lâu bên chiếc cầu xi măng bắc qua con mương đưa mắt nhìn quanh. Dưới tán những cây rừng còn sót lại bên bờ, xe máy của bà con đi làm đồng xếp ken dày. Nắng chớm trưa hanh vàng, gió nhẹ đưa hơi nước từ những con mương thủy lợi dọc ngang, từ ruộng cấy xâm xấp đất. Có giọt nắng nào lạc rơi vào đáy mắt cay cay. Giá mà mình có thể xắn quần lội ruộng làm đồng cùng bà con. Tuổi thơ đồng bãi mênh lên, ngút nghẹn.

Chúng tôi dong xe về Trạm bơm Tân Hội (Trạm bơm số 1). Ngồi bên nhau nơi bờ tràn, anh Võ Xuân Hạnh-phụ trách trạm bơm từ buổi đầu (năm 1998) cho đến nay, chia sẻ: “Năm khô hạn vừa rồi sông Ba còn nước nhưng công suất thiết kế trạm bơm chỉ đủ tưới cho hơn 100 ha, giờ thì đã lên đến 297 ha nên phải huy động đến nguồn nước khác như: suối, ao bàu, giếng… Ngay như Trạm bơm số 2, “tăng bo” nước từ Trạm bơm số 1 để tưới cho cánh đồng ruộng bậc thang hồi ấy chỉ với 32 ha, giờ thì lên đến 100 ha, hoa màu chưa kể”.

Ngang qua cánh đồng rau, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Hưng (thôn Tân Sơn) và được chủ nhà vồn vã đón tiếp: “Diện tích rau của gia đình gần 1,5 ha, chủ yếu là ớt và các loại rau ăn lá. Nguồn nước giếng để tưới là chính nên vào đỉnh điểm mùa khô, nhất là năm hạn luôn rơi vào tình trạng thiếu nước. Cây rau ăn lá cần tưới 2 lượt/ngày, dù kỹ thuật tưới phun sương, nhà lưới giữ được độ ẩm, tiết kiệm được nước nhưng vẫn phải tưới”.

Trên đường về, nắng chiều trải dài trên mái nhà, tán lá, vườn rau. Làng quê xã Tân An đẹp mê hồn dịu vợi. Điện thoại đổ chuông, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Minh mời ghé thăm nhà, cùng lời cáo lỗi bận họp trên huyện cả ngày nên không đi cùng được. “Ô kìa, mâm cỗ bày biện làm gì trông sang thế, mà sao toàn những món tựa như từ nhà hàng mang đến?”-tôi ngạc nhiên buột miệng. “Mời ngồi đi, xã này có dịch vụ nấu ăn mang đến tận nhà ta chơi sang chút, đừng ngại. Người dân thu nhập bình quân đã được 31,5 triệu đồng/người/năm huống chi là gia đình cán bộ vừa cả nguồn thu từ chăn nuôi, trồng trọt và cả lương tháng nữa, lo gì”-anh Minh cười hề hề mời nâng ly, cạn.

Phan Thị Nga

Có thể bạn quan tâm