Theo báo cáo của các ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh, nhất là TP. Pleiku (Gia Lai) tiếp tục có dấu hiệu xảy ra nhiều vụ vỡ nợ với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số người vì hám lợi đã cho các con nợ vay tiền với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng gấp nhiều lần, trong đó có người thế chấp tài sản vay tiền ngân hàng hoặc vay tiền của người khác để cho vay lại với lãi suất chênh lệch hấp dẫn; khi con nợ không còn khả năng trả thì dẫn đến vỡ nợ dây chuyền.
Phần lớn việc cho vay trong các trường hợp này thường với thủ tục rất đơn giản, không có tài sản thế chấp, chỉ bằng giấy vay nợ viết tay không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, không xác định thời gian trả nợ… Chính vì vậy, khi tranh chấp xảy ra, cơ quan chức năng không có cơ sở để thụ lý, giải quyết, dẫn đến quyền lợi của người cho vay tiền không được pháp luật bảo vệ.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh vừa có Công văn số 21/UBND-NC yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các đoàn thể tổ chức họp dân, phổ biến cho nhân dân biết tình hình nêu trên để cảnh giác, thận trọng, thực hiện đúng các thủ tục pháp lý khi cho người khác vay mượn tiền, tài sản; nhằm chủ động bảo vệ quyền lợi của mình và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc thụ lý, giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.
Báo Gia Lai, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh thông báo công khai, rộng rãi tình hình trên các phương tiện thông tin đại chúng; kết hợp với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật dân sự liên quan đến thủ tục vay, cho vay tiền, tài sản. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các cấp tiếp tục theo dõi, nhận và xác minh đơn của công dân có liên quan đến các vụ vỡ nợ; xử lý kịp thời đối với các trường hợp có dấu hiệu tội phạm và hướng dẫn gửi đơn đến Tòa án đối với những vụ việc mang tính chất dân sự. Đồng thời, trong thời điểm từ nay đến sau Tết Canh Dần, cần tăng cường lực lượng và có kế hoạch để theo dõi, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng hành xử côn đồ để xiết nợ, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Tòa án Nhân dân tỉnh chỉ đạo Tòa án Nhân dân cấp huyện nghiên cứu, thụ lý các đơn khởi kiện của người dân có liên quan đến các vụ vỡ nợ mang tính chất dân sự. Trường hợp không đủ điều kiện để thụ lý thì giải thích, hướng dẫn cụ thể cho nhân dân; không nên hướng dẫn người dân gửi đơn đến cơ quan Công an, dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan có thẩm quyền.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phối hợp với cơ quan Công an để rà soát việc cho vay đối với các đối tượng có liên quan đến vỡ nợ, từ đó có biện pháp bảo đảm thu hồi nợ. Bên cạnh đó, khi cho vay phải kiểm tra chặt chẽ hồ sơ, xác định đủ điều kiện mới được vay, tránh sơ hở để các đối tượng lừa đảo, chiếm dụng.
Hà Sự