Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thắng lợi vẻ vang trong lịch sử ngoại giao Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đồng thời là bước ngoặt lịch sử, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng. Các bài học kinh nghiệm về đàm phán Hiệp định Paris đến nay vẫn còn nguyên giá trị, giúp Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập quốc tế.
Các đại biểu quốc tế thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris.

Các đại biểu quốc tế thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris.

Vững niềm tin vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa

Trải qua quá trình đàm phán kéo dài gần 5 năm, Hiệp định Paris đã chính thức được ký kết vào ngày 27/1/1973. Đây là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện và đầy đủ nhất ghi nhận các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam, là sự công nhận chính thức của quốc tế đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định, lịch sử đã đặt lên vai dân tộc Việt Nam một sứ mệnh rất vẻ vang nhưng cũng vô cùng gian khổ. Từ sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, suốt mấy chục năm trời, nhân dân Việt Nam đã phải lần lượt tiến hành các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất và xây dựng đất nước. Cũng trong thời gian ấy, Việt Nam là nước duy nhất tham gia tới bốn hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, khẳng định tầm vóc của dân tộc cũng như tầm vóc của ngoại giao Việt Nam. Đó là Hội nghị Geneva năm 1954 về Đông Dương, Hội nghị Geneva về Lào năm 1961-1962, Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973, Hội nghị về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Campuchia năm 1991.

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong tất cả sự kiện nêu trên, việc ký kết Hiệp định Paris năm 1973 chiếm một vị trí đặc biệt, đem tới cho dân tộc Việt Nam và thế giới những ý nghĩa lớn. Với Hiệp định Paris, Mỹ đã phải cam kết rút hết quân, mang lại hòa bình cho miền bắc Việt Nam, khôi phục nền kinh tế đồng thời tăng cường thêm nguồn lực để tiến hành cuộc đấu tranh ở miền nam Việt Nam, đi đến thống nhất đất nước.

Đối với thế giới, Hiệp định Paris đã củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình. Ông John McAuliff (G.Mắc Au-líp), Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD) nhấn mạnh, Hiệp định Paris là bước tiến quan trọng, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, tạo bước đà quan trọng dẫn đến thắng lợi lịch sử năm 1975. Bên cạnh đó, Hiệp định cũng giúp củng cố niềm tin của các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình, cũng như các dân tộc bị áp bức vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa và sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế. Theo ông John McAuliff, dù đã 50 năm trôi qua, ý nghĩa lịch sử của sự kiện ký kết Hiệp định Paris vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế

Có thể khẳng định, thắng lợi trong Hiệp định Paris nói riêng cũng như chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ nói chung của nhân dân Việt Nam là chiến thắng của niềm tin vào chính nghĩa, đồng thời cũng là một chiến thắng vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc của lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam giành thắng lợi trên bàn đàm phán Hiệp định Paris là sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế.

Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng đấu trí cam go và quyết liệt ấy, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nêu rõ, cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi chưa từng có. Bà Nguyễn Thị Bình khẳng định mãi ghi nhớ những bạn Mỹ tự thiêu để phản đối chiến tranh, cũng như không bao giờ quên hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới đã bất chấp đàn áp, tù tội để tuần hành và biểu tình đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Tất cả sự đoàn kết và ủng hộ của bạn bè quốc tế đã tiếp thêm sức mạnh giúp Việt Nam trên chiến trường cũng như trên bàn hội nghị trong những ngày đấu tranh cam go, khốc liệt.

Là thành viên trẻ tuổi nhất của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia cuộc đấu tranh ngoại giao, ông Phạm Ngạc, nguyên Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao nhớ lại, ban đầu, ông nghĩ việc đàm phán chỉ diễn ra một vài tháng, không ngờ nó kéo dài gần 5 năm. Trong những năm tháng đó, Đảng Cộng sản Pháp, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt ở nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khắc phục khó khăn về hậu cần. Đảng Cộng sản Pháp đã dành cho phái đoàn của Việt Nam chỗ họp có an ninh rất tốt, đầy đủ phương tiện làm việc. Trong suốt quá trình đàm phán tại Paris, dù có nhiều chuyện xảy ra nhưng chưa bao giờ bí mật bị lộ lọt.

Kết quả của Hiệp định Paris

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam có 9 chương, 23 điều, gồm 4 loại điều khoản chính:

1. Các điều khoản chính trị ghi các cam kết của Mỹ: tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền nam Việt Nam; Mỹ không tiếp tục dính líu quân sự, không can thiệp công việc nội bộ của miền nam Việt Nam.

2. Các điều khoản về quân sự: ngừng bắn, Mỹ rút hết quân trong 60 ngày; chấm dứt bắn phá miền bắc; nhận tháo gỡ mìn do Mỹ đã rải ở miền bắc.

3. Các điều khoản về nội bộ miền nam: nguyên tắc hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ, tổ chức tổng tuyển cử tự do, thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần để tổ chức tổng tuyển cử.

4. Các điều khoản về thống nhất Việt Nam, về Lào và Campuchia, về cơ cấu thi hành Hiệp định Ủy ban liên hợp và Ủy ban quốc tế; về Hội nghị quốc tế xác nhận Hiệp định và điều khoản về việc Mỹ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

(Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương)

Tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris được tổ chức tại Hungary, ông Botz Laszlo (B.La-xlô), Chủ tịch Hội hữu nghị Hungary-Việt Nam và cũng là một trong những quân nhân Hungary được cử sang Việt Nam tham gia Ủy ban Kiểm soát và Giám sát quốc tế (ICCS) - có nhiệm vụ giám sát việc thực thi Hiệp định Paris, bày tỏ xúc động ôn lại kỷ niệm cách đây 50 năm khi lần đầu đặt chân đến Hà Nội. Theo TTXVN, hình ảnh những gương mặt rạng rỡ, vui mừng cùng sự đón tiếp nồng hậu ở Hà Nội đã khiến ông Laszlo yêu Việt Nam ngay từ cái nhìn đầu tiên và đi theo ông suốt cả cuộc đời sau này. Ông chia sẻ rất khâm phục tinh thần của những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến đấu trường kỳ giải phóng dân tộc, mang lại hòa bình thật sự cho đất nước Việt Nam.

Cuộc đàm phán về Hiệp định Paris là cuộc đàm phán lâu dài, khó khăn, phức tạp và cũng là thắng lợi vẻ vang trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do, tiến bộ, công lý và là niềm cổ vũ lớn lao cho đông đảo nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Có thể bạn quan tâm