Kinh tế

Thành công nhờ huy động được sức dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cùng với việc mở rộng, nâng cấp các tuyến đường liên xã, từ năm 2004 thị xã Ayun Pa (Gia Lai) còn triển khai đề án bê tông hóa các tuyến đường liên thôn. Việc triển khai đề án đã làm thay đổi bộ mặt đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp.
Xã đi đầu về bê tông hóa đường liên thôn
Nằm cách trung tâm thị xã Ayun Pa chừng 4 km, xã Ia Rbol có 7 buôn làng, 704 hộ, với trên 4.000 nhân khẩu. Điều đặc biệt là trên 90% đường giao thông trong xã đã được bê tông hóa.
Làm đường bê tông ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Trần Đức
Làm đường bê tông ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Trần Đức
Về xã Ia Rbol, chúng tôi được nghe người dân kháo nhau chuyện Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phạm Thị Vân dùng uy tín cá nhân và thế chấp cả tài sản gia đình để mua nợ xi măng cho các buôn làng làm đường giao thông. Vào dịp trước Tết Nguyên đán năm ngoái, khi xã Ia Rbol tiến hành làm đường bê tông, các đại lý vật liệu xây dựng trên địa bàn một mực từ chối không cho ứng vật liệu. Chỉ tiêu thị xã giao 5 km đường bê tông không thể không hoàn thành, nguyện vọng của nhân dân về làm đường càng thúc bách. Trước tình thế đó, chị Vân đã phải đứng ra “lãnh trách nhiệm” và các con đường liên thôn tiếp tục dài ra. “Cái cốt yếu trong việc làm đường bê tông nông thôn là phải có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để huy động sức dân tham gia cùng với Nhà nước. Cán bộ xã, thôn phải tích cực vận động để nhân dân hiểu ra lợi ích của việc bê tông hóa đường làng. Năm ngoái, có cụ bà ở buôn Rưng Ma Nhiu khi cán bộ xã, thôn đến vận động dời hàng rào vào để làm đường, gia đình phải chặt đi 1 cây vú sữa lâu năm, bà cụ tiếc cây, tiếc của nhất quyết đòi sống, đòi chết chứ không chịu nghe theo. Thế nhưng, đường làm gần đến nhà cụ, thấy rộng rãi, sạch sẽ, cụ ưng cái bụng và tự giác vận động con cháu chặt cây, dời hàng rào và hàng ngày nấu nước phục vụ nhóm thợ làm đường”-chị Vân cho biết.

Hàng trăm hộ dân ở các buôn trong xã Ia Rbol đã tự ý dời hàng rào, hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm đường bê tông. Ông Rơ Com Cheo- cán bộ giao thông thủy lợi xã cho biết: “Khi làm đường, nhà tôi và hơn 100 hộ dân ở buôn Rưng Ma Nhiu đã tự nguyện dời hàng rào vào bên trong vườn để nắn đường cho thẳng rồi mới đổ bê tông. Dân trong xã đại bộ phận không có tiền góp làm đường mà chỉ góp ngày công lao động. Từ đầu năm, dân các buôn đã tranh thủ xuống sông Bờ để nhặt đá về làm đường, vì thế khi có xi măng là triển khai làm rất nhanh. Đến nay, xã đã làm được trên 8 km đường bê tông, và hiện đang đăng ký thêm 1,2 km đường ở buôn Rưng Ma Rai, Rưng Ma Đoan và buôn Sa nữa là hoàn tất 100% tuyến đường trong xã được bê tông hóa”.
Kinh nghiệm từ việc huy động sức dân
Ông Ma Líu- Trưởng thôn Ju Ma Nai khoe: “Năm 2006, khi chi bộ họp dân triển khai làm đường bê tông, phải dời hàng rào của nhiều hộ vào cho rộng rãi, lúc đó nhiều người phản đối. Nhưng rồi qua nhiều lần vận động, dân làng hiểu ra và tự giác thực hiện, góp công sức cùng với Nhà nước để làm hết toàn bộ hơn 3 km đường bê tông trong buôn. Nhờ đó, buôn Ju Ma Nai là một trong những buôn dẫn đầu thị xã về làm đường bê tông. Đường bê tông giúp cho việc lưu thông hàng hóa, nông sản được dễ dàng; mùa mưa không lo bị lầy lội, mất về sinh, dịch bệnh.”
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2004 đến nay, thị xã Ayun Pa đã làm được trên 80 km đường bê tông nông thôn. “Quá trình làm đường, Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân tham gia thi công, đóng góp kinh phí, ngày công và vật liệu xây dựng. Đây là chủ trương hợp lòng dân nên tạo được sự đồng thuận cao. Các tuyến đường liên thôn, làng được giao cho chi bộ đảng, ban nhân dân và các tổ chức đoàn thể tại cơ sở tổ chức thực hiện, cử người theo dõi giám sát, nghiệm thu chất lượng công trình. Các ban quản lý thi công công trình của các phường, xã chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát về mặt kỹ thuật, chất lượng công trình. Ban thanh tra nhân dân ở các thôn, làng trực tiếp giám sát quá trình thi công. Vì thế nhân dân rất phấn khởi, trong suốt 6 năm triển khai đã hạn chế các trường hợp thắc mắc, khiếu kiện”- Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa Hồ Văn Diện chia sẻ.
Nhờ biết huy động sức dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội mà đến nay hầu hết các tuyến đường nội bộ, liên thôn ở thị xã Ayun Pa đã được bê tông hóa, phong quang, sạch đẹp. Mùa về, hàng hóa, nông sản được vận chuyển, lưu thông thuận lợi. Đời sống kinh tế- xã hội của người dân nhờ đó từng bước sẽ được nâng lên.   
Đức Phương

Có thể bạn quan tâm