Kinh tế

Thành công từ mô hình liên minh sản xuất nấm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nấm là loại thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng. Vì vậy, có thể coi nấm như một loại rau cao cấp, loại thực phẩm thuốc. Sản xuất nấm là một trong những nghề rất phù hợp với Gia Lai, vì ở đây có lượng phế thải nông nghiệp làm nguyên liệu rất dồi dào, tận dụng được nhân công nhàn rỗi.

Sản xuất nấm là một ngành nuôi trồng chỉ sử dụng chính là phế liệu của nông-lâm nghiệp, nhưng sản phẩm lại là nguồn thực phẩm rất quý, nhất là đối với nước đông dân, đang có nhu cầu lớn về nguồn thực phẩm như nước ta.

 

Ông Lê Mới-một trong rất nhiều hộ thành công khi tham gia dự án. Ảnh: T.B.Đ
Ông Lê Mới-một trong rất nhiều hộ thành công khi tham gia dự án. Ảnh: T.B.Đ

Trồng nấm được xem là nghề xóa đói giảm nghèo và nhanh làm giàu, thích hợp với các vùng nông thôn, miền núi, nhất là tỉnh có nguồn nguyên liệu dồi dào và điều kiện khí hậu thuận lợi như ở Gia Lai. Hiện nhu cầu về nấm ăn và nấm dược liệu ở địa phương là rất lớn, cung không đủ cầu. Vì các cơ sở sản xuất nấm chưa nhiều, lượng nấm sản xuất tại địa phương chỉ đáp ứng được nửa lượng nấm tiêu thụ trên thị trường. Việc mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết trong sản xuất và kinh doanh nấm mở ra tiềm năng mới cho sản xuất nấm tại địa phương.

Nắm bắt được những điều kiện trên, tháng 6-2012, Ban Quản lý dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh Gia Lai-với tư cách là chủ dự án-đã thành lập Liên minh sản xuất nấm Thắng Lợi. Các đối tác tham gia Liên minh gồm Tổ Hợp tác sản xuất nấm Đoàn Kết (tổ chức nông dân), địa chỉ đại diện nông dân ở 70-Mạc Đĩnh Chi, TP. Pleiku và Công ty TNHH một thành viên nấm Mang Yang (thôn Tân Phú, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang). Loại hình kinh doanh là sản xuất và tiêu thụ nấm sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thời gian thực hiện dự án là 18 tháng, tổng kinh phí đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Thực ra liên minh này đã được triển khai và hoạt động từ năm 2010, đã mang lại những thành công nhất định.  

Với Công ty TNHH một thành viên nấm Mang Yang, Ban lãnh đạo Công ty gồm 3 người, diện tích dùng để sản xuất kinh doanh nấm là 10.000 m2. Sản phẩm chính là nấm sò, nấm mèo, nấm vân chi đỏ và nấm linh chi. Năm 2010, Công ty bán ra thị trường 108 tấn nấm sò, 60 tấn nấm mèo… Thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong tỉnh và một phần tiêu thụ ở các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum.

Với Tổ Hợp tác sản xuất nấm Đoàn Kết, đây là một tổ chức nông dân có quy mô 90 hộ, được chia thành 5 nhóm (trong đó có 1 nhóm gồm 20 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số). Ông Lê Mới (ở 70-Mạc Đĩnh Chi-TP. Pleiku)-là một trong những thành viên gặt hái nhiều thành công khi tham gia dự án này. Gia đình ông Mới có 300 m2 sản xuất nấm mèo và nấm sò. Mỗi năm ông thu 3 đợt, sản lượng mỗi túi nấm mèo thu 1 đợt được 1,2 kg tươi; với nấm sò, ông thu được 0,4 kg tươi mỗi túi. Ông là một trong 20 hộ chuyên sản xuất giống (meo giống) để cung cấp cho các hộ nuôi trồng trong toàn tỉnh.

Ông cho biết: Những túi meo giống đạt tiêu chuẩn, ông dành để bán cho các hộ nuôi trồng khác, còn những túi không đạt, ông để lại nuôi trồng trong trang trại của mình. Khó có thể hình dung ở ngay giữa trung tâm thành phố, lại có một trang trại trồng nấm quy mô và bài bản đến vậy. Hiện tại, giá 1 kg nấm mèo khô ngoài thị trường khoảng 100 ngàn đồng, 1 kg nấm sò tươi khoảng 25 ngàn đồng. Mỗi năm, cả tiền bán giống lẫn bán nấm, ông Mới thu được khoảng vài trăm triệu đồng. Ông Mới khẳng định: “Đây là mô hình có hiệu quả kinh tế rất cao, giúp hộ nông dân nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên làm giàu”.

Có thể nói, việc ra đời Liên minh sản xuất nấm Thắng Lợi đã mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Về mặt kinh tế làm tăng hiệu quả sản xuất, mở rộng quy mô, tăng sản lượng; giá bán và lợi nhuận tăng nhờ áp dụng quy trình sản xuất kinh doanh hợp lý giữa tổ chức nông dân và doanh nghiệp, đồng thời phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Việc mua bán không thông qua trung gian và có sự hỗ trợ nên giảm được chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh về giá cả cho toàn liên minh.

Về thị trường thì làm tăng thị phần, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh, tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập từ các địa phương khác. Về xã hội thì tận dụng được lực lượng lao động nhàn rỗi khá đông đảo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia trồng nấm; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Liên minh đã tạo mối liên kết sản xuất kinh doanh cùng có lợi, tạo lối sống tương thân tương ái vì mục tiêu cùng phát triển…

Trần Bình Định

Có thể bạn quan tâm