Ông chủ xưởng sửa chữa nông cơ
Đó là trường hợp của anh Gia Min ở làng Dôr 1, xã Glar. Trước đây, cuộc sống của gia đình anh Min gặp nhiều khó khăn vì không có đất sản xuất. Anh vừa đi làm thuê, làm mướn vừa tự mày mò sửa chữa máy cày, máy nổ hay xe công nông của người dân trong làng để mưu sinh.
Anh chia sẻ: “Tôi rất yêu thích công việc sửa chữa máy móc nông cơ. Tuy nhiên, vì gia đình không có điều kiện nên tôi không được học hành bài bản. Từ đó, tay nghề cũng không được nâng cao, bản thân khó có thể gắn bó với nghề.
Sau một thời gian tìm hiểu thực tế, tôi nhận thấy: Hầu hết người dân đều đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, tôi luôn mong bản thân được học nghề sửa chữa máy móc để có thể lập nghiệp”.
May mắn đến với anh Min khi năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa mở lớp học sửa chữa máy công suất nhỏ miễn phí cho người dân trong vùng.
Biết được thông tin về lớp học, anh Min liền đăng ký tham gia. Lớp học thu hút hơn 30 học viên người dân tộc thiểu số, đa số ở độ tuổi lao động. Sau 3 tháng cần mẫn học nghề, anh Min quyết định đầu tư mở xưởng sửa chữa máy công suất nhỏ.
“Không ở đâu bằng có nghề ổn định trên chính ngôi làng của mình. Ban đầu, tôi nhận sửa chữa một số máy móc nhỏ của bà con. Sau khi tay nghề ổn định hơn, được bà con tin tưởng, tôi nhận gia cố xe công nông. Mỗi tháng, ngoài việc sửa chữa các loại máy móc nhỏ, tôi gia cố được 1 xe công nông với tiền công 15-18 triệu đồng”-anh Min cho hay.
Bà Lê Thị Hương-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa: Đến nay, huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức đào tạo nghề cho 443 người lao động nông thôn; phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đào tạo nghề cho 319 người lao động ký hợp đồng làm việc tại Công ty. Ngoài ra, có 2.533 lao động tự tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của người lao động vùng nông thôn; kết nối giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người lao động để tạo điều kiện cho người dân nhất là lao động trẻ ở nông thôn được học nghề và tạo việc làm ổn định.
Xưởng sửa chữa nông cơ của anh Min luôn tấp nập người ra vào đặt hàng. Dù xưởng được mở tại nhà nhưng không gian rộng rãi và được đầu tư thiết bị khá đồng bộ.
Với những kiến thức đã được học cộng với sự cần cù chịu khó, xưởng của anh Min ngày càng đông khách. Khi số lượng máy móc nhiều, anh Min kết nối cùng 3 lao động tại địa phương thạo nghề sửa chữa tới hỗ trợ.
“Mình tạo việc làm cho lao động địa phương cũng là cách để xưởng của mình phát triển. Lượng kiến thức học được từ khóa đào tạo nghề đã giúp mình lựa chọn hướng đi cũng như tự tin hơn trong công việc hiện nay”-anh Min khẳng định.
Theo anh Hỡm-Bí thư Đoàn xã Glar: Nghề sửa chữa máy nông nghiệp hiện đang được nhiều thanh niên nông thôn quan tâm vì mang lại lợi ích thiết thực.
Thanh niên có thể tự ứng dụng kiến thức được học vào cuộc sống hàng ngày, nâng cao hiệu quả lao động, thúc đẩy sản xuất theo hướng hiện đại hóa và tự tạo việc làm cho bản thân, tạo nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Thời gian qua, anh Gia Min đã mạnh dạn mở xưởng sửa chữa nông cơ, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu.
Thành lập tổ hội nghề xây dựng sau khóa học nghề
Năm 2022, anh Muel (làng Adơk Kông, xã Adơk) cùng một số người dân trong làng tham gia lớp đào tạo nghề xây dựng. Vốn khéo tay, anh Muel trở thành thợ nề giỏi. Nhưng anh cho rằng nghề xây dựng nếu chỉ đơn độc một mình thì rất khó “ăn nên làm ra”. Vì vậy, anh cùng 6 người dân trong làng đã thành lập Tổ hội nghề xây dựng làng Adơk Kông để cùng nhận các công trình xây dựng và hỗ trợ nhau phát triển.
Ban đầu, anh Muel và các thành viên trong tổ chủ yếu nhận thi công những công trình nhỏ như: tường rào, nhà vệ sinh, cổng ngõ… cho người dân trong làng. Khi tay nghề các thành viên được nâng lên, nhiều người đã tìm đến thuê xây dựng những công trình lớn hơn. Nhờ đó, 7 thành viên trong tổ thường xuyên có việc làm, thu nhập ổn định.
Anh Muel cho biết: “Trước đây, do thiếu đất sản xuất nên mọi người chủ yếu đi làm thuê. Kinh tế thiếu trước hụt sau, thậm chí có thời điểm còn thiếu ăn, không thể trang trải cho cuộc sống gia đình.
Từ khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện học nghề xây dựng và thành lập Tổ hội nghề xây dựng thì công việc và cuộc sống của các thành viên đã ổn định hơn”.
Từ cuối năm 2023 đến nay, Tổ hội nghề xây dựng làng Adơk Kông đã nhận xây dựng được 3 căn nhà và nhiều công trình sửa chữa nhỏ khác cho bà con dân làng. Thu nhập của các thành viên đạt bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Byin-Chủ tịch Hội Nông dân xã Adơk-cho hay: “Sau khóa học nghề, Hội Nông dân xã đã vận động thành lập tổ hội nghề xây dựng tại 5 làng. Đồng thời, định hướng cho tổ hội nhận thi công các công trình nhà dân cũng như tạo điều kiện thi công một số công trình nông thôn mới trên địa bàn như: đường giao thông, nhà ở, tường rào, nhà vệ sinh... Qua đó, người dân có việc làm ổn định, từng bước nâng cao thu nhập”.
Trò chuyện cùng P.V, anh Muel cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao tay nghề của các thành viên nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng để có thêm nhiều công trình xây dựng chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình, giải quyết thêm việc làm cho lao động tại địa phương”.
Học nghề để lập nghiệp
Đó là mục tiêu mà anh Trương Đại Dũng (thôn 10, xã Ia Pết) quyết tâm theo đuổi và thành công. Năm 2016, anh Dũng chọn theo học khóa đào tạo nghề cơ khí tại địa phương.
Với lòng nhiệt huyết và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh trở thành chủ xưởng cơ khí mang tên mình với thu nhập trên 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
“Sinh ra trong gia đình thuần nông, cuộc sống khó khăn nên ngay từ khi học xong phổ thông, tôi đã xác định bản thân sẽ lập nghiệp bằng con đường học nghề.
Sau khi kết thúc khóa học, tôi đã có 2 năm đi làm công nhận tại một số xưởng cơ khí để nâng cao tay nghề và học hỏi kinh nghiệm. Qua nắm bắt nhu cầu thị trường, tiềm năng của nghề cơ khí và những kiến thức nghề học được, tôi quyết định quay về mở xưởng trên chính mảnh đất quê hương mình”-anh Dũng kể.
Sau gần 5 năm hoạt động, Xưởng cơ khí Đại Dũng đã dần tạo được niềm tin cho khách hàng. Mỗi năm, anh Dũng nhận thi công khoảng 20-25 công trình lớn. Hiện nay, Xưởng cơ khí Đại Dũng chuyên cung cấp các dòng sản phẩm chính về kim khí như: cổng cửa, cầu thang, mái hiên và sản phẩm hoàn thiện để lắp đặt cho không gian nhà.
Lấy phương châm chất lượng làm nên thương hiệu, giá cả hợp lý và đảm bảo tính thẩm mỹ trên từng sản phẩm, cơ sở sản xuất cơ khí của anh Dũng đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường, được khách hàng tin tưởng.
Đi lên từ gian khó, anh Dũng luôn mong muốn được chia sẻ với đoàn viên thanh niên tại địa phương bằng cách nhận dạy nghề và giúp họ có việc làm. Hiện tại, anh Dũng tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn đào tạo nghề cho lao động người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.
Anh Thuân (làng O Del) bày tỏ: “Tôi may mắn được anh Dũng hướng dẫn học nghề cơ khí ngay tại xưởng. Sau 6 tháng theo học, tôi đã vững tay nghề và hiện nay đang làm thợ chính tại Xưởng cơ khí Đại Dũng với mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng”.