(GLO)- L.T.S: Trong buổi làm việc mới đây với Tỉnh đoàn Gia Lai, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh-anh Phan Văn Mãi biểu dương các hoạt động của tuổi trẻ Gia Lai, đặc biệt là những công trình dân sinh, thiết thực đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Nhân dịp này, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn trao đổi với Báo Gia Lai về một số biện pháp để phát huy hơn vai trò xung kích tình nguyện của tuổi trẻ, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.
- Theo anh, đâu là thuận lợi và khó khăn của thanh niên Tây Nguyên khi tham gia xây dựng nông thôn mới?
Tây Nguyên nói chung có thuận lợi là số thanh niên ở lại địa bàn tương đối đông. Đây sẽ là lực lượng quan trọng tham gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, số ở lại phần lớn điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức và sự nhiệt tình còn hạn chế… Vì thế, để đưa thanh niên “vào cuộc”, việc đầu tiên là Đoàn phải tập trung tuyên truyền. Tuyên truyền để họ biết xây dựng nông thôn mới là cái gì, làm nông thôn mới để được gì và họ phải tham gia như thế nào. Không thể nói thanh niên thụ động nếu họ chưa vào cuộc. Vấn đề là tổ chức Đoàn phải khơi lửa nhiệt tình ở họ, phải đến với thanh niên, kéo thanh niên vào cuộc.
Đoàn cũng cần lựa chọn những công việc phù với tình hình thực tế địa phương, những cái cụ thể gắn bó quyền lợi của thanh niên để triển khai cho họ, để khi tham gia họ được hưởng lợi. Chẳng hạn như kêu gọi thanh niên tham gia phát triển kinh tế địa phương thì trước tiên phải quan tâm, chăm lo để họ phát triển kinh tế gia đình. Từng thanh niên, từng gia đình làm tốt kinh tế thì tất yếu kinh tế địa phương sẽ theo đó phát triển. Giúp thanh niên phát triển kinh tế là vấn đề đầu tiên Đoàn nhắm tới khi vận động thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới. Kinh tế vững rồi mới mong họ tham gia vào nhiều việc khác như cải tạo môi trường, giao thông nông thôn… Tham gia vào các hoạt động này, họ phải hưởng lợi: Đó là hưởng môi trường xanh sạch hơn, giao thông thuận tiện hơn.
Thanh niên giúp dân làm cầu treo. Ảnh: Hoàng Ngọc |
- Hiện nay, nhận thức của một bộ phận thanh niên về xây dựng nông thôn mới chưa thực sự sâu sắc, cụ thể. Cần tác động như thế nào để thay đổi nhận thức, nhất là loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại…?
Không chỉ thanh niên mà trong một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa thấu đáo về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo họ, ngân sách sẽ đổ tiền ra đầu tư, người dân thừa hưởng một cách thụ động. Nếu cứ trông chờ, ỷ lại như vậy thì sẽ không bao giờ xây dựng nông thôn mới thành công.
Theo tôi, tuổi trẻ phải xung kích đi đầu trong việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Và, việc đầu tiên tổ chức Đoàn xác định phải làm là tăng cường công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, không thể làm như kiểu cũ: Rầm rộ, hoành tráng thời gian đầu, sau đó im ắng luôn. Theo định hướng của Ban Bí thư Trung ương Đoàn thì phải tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Phải nói cho thanh niên hiểu được tại sao phải xây dựng nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới ở xã mình thì cần làm gì trước, chỗ nào xây chợ, chỗ nào xây cầu, chỗ nào làm nhà… Mỗi người, mỗi gia đình sẽ phải tham gia làm việc gì trong công việc chung đó. Muốn tuyên truyền tốt thì tổ chức Đoàn ở xã buộc phải nắm rõ tình hình địa phương. Nội dung tuyên truyền cũng cần cập nhật thường xuyên và cụ thể.
Điều quan trọng nhất là phải lấy hiệu quả hoạt động để thuyết phục thanh niên tiếp tục hưởng ứng phong trào.
- Cảm ơn anh!
Nguyên Bình (thực hiện)